Trang chủ » Địa danh » Quy Nhơn » Ăn gì ở Quy Nhơn?

Ăn gì ở Quy Nhơn?

2014-07-02 14:53:53 | 3472 lượt xem

Quy Nhơn là một thành phố yên bình, lưng tựa vào núi Trường Sơn, trông ra đại dương bao la. Với những dãy núi ăn sâu ra biển, Quy Nhơn có những bãi biển tuyệt đẹp với biển xanh, cát vàng, bên cạnh đó các sản vật rừng, biển cũng rất phong phú và đa dạng.

 

1. Bánh xèo tôm nhảy rau mầm

Bánh xèo tôm nhảy thú vị ngay từ cái tên cho đến cách chế biến cùng hương vị đậm đà của sông núi Quy Nhơn. Chiếc bánh xèo tôm nhảy Bình Định được làm từ bột gạo, tôm nhảy vớt ở đầm Thị Nại, mầm đỗ (giá). Một lớp bột gạo trắng mỏng bên trên có mấy tôm nhảy bóc vỏ lộ ra lớp thịt tôm đỏ au, rắc thêm chút giá và hành lên phía trên. Bánh xèo tôm nhảy thường ăn cùng rau sống, khế chua, xoài, gói trong chiếc bánh tráng mỏng tang chấm với nước mắm tỏi ớt chua ngọt.

 

2. Cá Ninja

Cá Ninja sống ở vùng biển Quy Nhơn, là một loại cá da trơn, không có xương sống mà chỉ có sụn trắng dọc lung cùng các búi gân, đầu cá rất nhỏ, khi bắt, cá thường cuộn mình, rất khó trông rõ đầu cá nếu không nhìn kỹ nên gọi là cá Ninja. Cá Ninja cho thịt mềm, đượm, ăn sần sật, có thể chế biến nhiều món khác nhau như: cari ăn rất đưa cơm, chiên, nướng, um...

 

3. Bún song Thần An Thái

Bún song thần An Thái từ lâu đã nổi danh với câu ca dao “"Nón ngựa Gò Găng/Bún Song Thằn An Thái” . Khác với các loại bún khô ở miền Bắc thường làm bằng bột gạo, bún song thần được làm từ bột các loại đậu, ngon nhất là bún được làm bột đậu xanh. Đậu cũng phải chọn loại hạt mẩy, hạt nào hạt nấy đều chằn chặn và không bị lép. Công đoạn làm bún rất tỉ mỉ và công phu, phải xay bột nước rồi lọc lấy phần tinh bột, phơi khô sau đó nhào bột với nước tinh khiết cho thật đều, cho vào rá có lỗ rê trên nồi nước sôi, sau khi bún chín thì vớt bỏ vào thau nước lạnh, rồi đem đi phơi nắng.

Thời điểm thích hợp để phơi bún là từ tháng 3 – 6, dưới cái nắng của Quy Nhơn, gió từ sông Côn thổi vào, bún mới được thăng hoa trở thành một món đặc sản đặc biệt của vùng đất võ.

 

4. Bánh tráng nước dừa

Bánh tráng dừa ở Tam Quan không phong phú như bánh tráng Mỹ Lồng – Bến Tre nhưng lại dày bánh và thơm hơn, là một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Bình Định. Bánh tráng dừa được làm từ bột gạo tẻ dẻo được xay thành bột ướt, rồi cho nước dừa với cùi dừa nạo sợi hoặc bào mỏng vào. Khi tráng bánh, rắc thêm một ít vừng và hạt tiêu lên phía trên, sau đó bánh được phơi nắng Bình Định, khi ăn thì nướng đều hai mặt.

 

5. Bún chả cá Quy Nhơn

Bún chả cá là một món ăn dân dã của vùng ven biển miền Trung. Chả cá để ăn với bún được làm từ cá thu tươi, ăn dai dai, giòn giòn và dậy mùi thơm từ thịt cá, cay nồng của tiêu và hành lá. Một chút bún trằng, mấy miến chả cá, nước lèo, nước chấm chua chua ngọt ngọt cũng đủ để thực khách ngất ngây.

 

6. Bánh hỏi Diêu Trì

Bánh hỏi Diêu Trì được làm từ gạo tẻ thơm, dẻo, xay bằng cối đá, sau khi xay xong cho bột nước vào túi vải, vắt cho bột khô, nhồi đều, cho vào chõ hấp chín (chỉ hấp nửa ký một nếu không bột sẽ khó chín và chín không đều), bày lên đĩa rắc chút lá hẹ lên trên. Bánh hỏi ăn cùng thịt ba chỉ luộc, thịt chân giò, lòng lợn luộc hoặc chả nướng, chấm xì dầu rất thơm và ngon.

 

7. Mắm nhum Mỹ An

 

Tháng 4 là thời điểm biển êm và ít động, những người dân ở Bình Định lại đi bắt nhum về làm mắm. Nhum được chọn làm mắm là loại nhum nhỏ, thân mầu đỏ sẫm (sẫm hơn màu mận chín), gai dài và thường nằm ở các khe đá trong những vịnh biển. Nhum cắt bỏ gai bên ngoài, chỉ còn lại “quả cầu”, dùng dao tách đôi, bỏ lớp ruột, chỉ lấy phần thịt, đem rửa sạch, cho vào chum sành, bỏ muối vào ướp, đậy kín rồi vùi vào trong bếp tro hoặc phơi ra ngoài nắng lớn sau 10 – 15 ngày là ăn được. Mắm nhum có hương vị rất độc đáo, thơm hơn mắm cá và ăn thì chua chua, ngọt ngọt, mằn mặn, chấm thịt luột thì ngon không thể diễn đạt hết bằng lời.

 

8. Cá niêng An Lão

Giống với Cá niêng ở Quảng Ngãi nhưng cá niêng An Lão lại lớn hơn và chỉ có ở vùng suối, sông hồ chảy xiết, nước trong veo. Người dân thường bắt cá vào ban đêm và bắt bằng tay. Cá sau khi bắt, để nguyên con, dùng cây xiên qua và nướng trên lửa đỏ, khi ăn phủi sạch lớp tro, tách lớp thịt trắng mềm bên trong ra chấm muối ớt sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên đối với du khách.

 

9. Cua Huỳnh Đế

Ngoài sống ở vùng biển Lý Sơn, cua Huỳnh Đế còn có ở biển Bình ĐỊnh. Gọi là cua Huỳnh Đế là bởi đây là loại cua tiến vua và được mệnh danh là “vua của các loài cua”. Cua Huỳnh Đế chỉ có 6 cẳng, cua có mai dày, phần thân dưới thì hơi giống con bề bề. Đây là loại cua rất hiếm vì ít xuất hiện, kén môi trường sống và chậm lớn. Khi ăn, người ta hay hấp Cua Huỳnh Đế mà không cho thêm bất kỳ gia vị nào (vỏ dày nên khó ngấm gia vị).

Xem thêm: