Trang chủ » Địa danh » Ninh Bình » Bái Đính

Bái Đính

2014-02-20 15:06:25 | 2227 lượt xem

Chùa Bái Đính nằm ở phía tây cố đô Hoa Lư, được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm nhiều hạng mục được thiết kế độc đáo như: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, khu học viện phật giáo, khu đón tiếp khách…

 

1. Vị trí & hướng di chuyển

Chùa Bái Đính Ninh Bình nằm trong quần thể núi Tràng An, cách Hà Nội khoảng 90km, cách thành phố Ninh Bình 15km và khu du lịch sinh thái Tràng An hơn 1km. Đi từ Hà Nội thì theo đường Quốc Lộ 1A, đến đoạn ngã ba Ninh Bình – Gia Viễn thì du khách rẽ tay phải, đi thêm 20km nữa là đến chùa Bái Đính.

 

2. Lịch sử

Chùa Bái Đính cổ được xây dựng cách đây gần 1000 năm dưới thời Lý, đây là một ngôi chùa cổ, nằm trên đỉnh núi Tràng An, nhìn xuống thung lũng Tràng An bồng bềnh sóng nước. Chùa cổ được xây dựng trong động theo lối kiến trúc chùa hang thường thấy ở Việt Nam. Ngôi chùa Bái Đính đồ sộ hiện tại là công trình mới được xây dựng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 

3. Kiến trúc

Quần thể chùa Bái Đính được chia làm hai khu vực: khu vực chùa Bái Đính cổ đã có hơn nghìn năm tuổi và khu vực chùa Bái Đính mới, rộng hàng trăm ha. Chùa Bái Đính cổ thực chất là một hang động tự nhiên. Người xưa với quan niệm, những hang động nằm sâu trong lòng núi luôn ẩn chứa sức mạnh của thần linh, nên hầu hết các hang lớn ở vùng địa thế đắc địa đều được xây dựng thành chùa hang. Chùa Cổ có lối vào khá hẹp, mái ngói đã phủ màu rêu phong theo thời gian. Dựa vào hang núi tự nhiên mà chùa cũng gồm ba gian, chính diện ở giữa, Hang sáng và Hang tối ở hai bên. Trong chùa có đền thờ Thánh Nguyễn, đền thờ Cao Sơn và Giếng Ngọc.

Chùa Bái Đính mới là một công trình kiến trúc với quy mô đồ sộ được xây dựng theo kiểu chữ Tam, từ chân núi lên đến đỉnh núi. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến đây chính là chiếc cổng tam quan làm bằng gỗ tứ thiết với ba tầng mái được lợp bằng ngói nhung Bát Tràng. Bên tả và bên hữu của cổng tam quan là hai dãy hành lang được bày trí các pho tượng La Hán bằng đá xanh. Mỗi bức tượng là một dáng vẻ, một biểu cảm nét mặt khác nhau. Tại cổng Tam Quan có đặt hai ông Khuyến Thiện và Trừng Ác bằng đồng như hai vị thần canh giữ cánh cổng vào cõi Phật linh thiêng. Tháp chuông là một công trình bê tông giả gỗ bao gồm ba tầng lầu, mái xòe cong vút như hình hoa sen.

Rời tháp chuông là điện Quan Thế Âm được xây dựng theo lối chùa cổ Việt Nam với dốc mái thẳng, những hàng cột to người lớn ôm không xuể, dùng bảy, kẻ đỡ lấy mái hiên, lớp mái đao. Trong điện có tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay tọa lạc trên đài sen được dát vàng, là pho tượng phật bà lớn nhất ở Việt Nam.

Sau Điện Quan Âm là Điện Pháp Chủ – nơi đặt bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nặng hơn 100 tấn. Điện Pháp Chủ được xây dựng theo kiểu tam thế với hai tầng mái cong vút, lợp mái ống. 

Đặc biệt tọa lạc ở vị trí cao nhất trong quần thể chùa Bái Đính là Điện Tam Thế. Giữa nền trời bao la, tòa điện hiện lên với ba tầng mái cong vút, tráng lệ, nguy nga và kiêu hãnh. Đứng từ sân điện, du khách có thể bao quát được toàn bộ quần thể khu đền, phía trước là một vùng sơn thủy hữu tình, phía sau là núi non hiểm trở. Để đi lên điện, du khách sẽ phải đi qua dãy bậc thang được điểm tô bởi những con rồng uốn lượn. Chùa có ba bức tượng Phật Tam Thế tượng trưng cho quá  khứ - hiện tại và tương lai.

Đến Chùa Bái Đính, du khách không chỉ tìm về với miền đất Phật linh thiêng mà còn được thưởng thức nét đẹp tinh hoa sáng tạo của con người Việt Nam trong nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, đúc đồng, chạm trổ...Hơn cả cái đẹp, nơi đây còn là trung tâm văn hóa tâm linh lớn của cả nước.

Giá vé xe điện lên núi: 30.000đ/lượt.

Xem thêm: