Trang chủ » Địa danh » Lào Cai » Bản Cát Cát

Bản Cát Cát

2014-02-18 13:53:46 | 1973 lượt xem

Bản Cát Cát là một làng dân tộc Mông. Đây là điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung, hằng năm thu hút rất nhiều khách du lịch bởi những kiến trúc độc đáo và nhiều nét văn hóa đặc sắc.

 

1. Vị trí

Bản Cát Cát nằm cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng hơn 2km, đường tới bản Cát Cát đầy những khúc cua khúc khuỷu. Đường đi ôm sát vách núi, bên dưới là những thửa ruộng bậc thềm đẹp như tranh vẽ sẽ khiến du khách có thêm hào hứng cho hành trình sắp tới của mình.

 

2. Đặc điểm kiến trúc nổi bật tại bản Cát Cát

Bản Cát Cát từ thế kỉ XIX đã được người Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng cho giới quan chức Pháp vì nơi đây có nền khí hậu và nhiệt độ trung bình thích hợp với người châu Âu, thêm nữa có rất nhiều thắng cảnh đẹp, là nơi hội tụ của ba dòng suối là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc. Chính vì vậy mà đến bây giờ bản Cát Cát vẫn còn lại những ngôi biệt thự cổ với lối kiến trúc Pháp tọa lạc trên ngọn đồi cao, sương mù che khuất. Đối lập với kiến trúc xa hoa của ngôi biệt thự cổ là kiểu kiến trúc mang đầy hơi thở xưa và giản đơn của đồng bào Mông nơi đây. Những ngôi nhà ba gian thấp lợp ván gỗ pơ mu – một loài gỗ quí của núi rừng Hoàng Liên, các cột nhà đều được kê lên phiến đá tròn, hoặc vuông, vách lợp bằng gỗ xẻ, cửa chính ở gian giữa, hai cửa phụ ở hai đầu nhà. Gian giữa với cửa chính luôn là nơi trang trọng nhất, chỉ được mở khi gia chủ có việc lớn như cưới hỏi hay tang ma, cúng thần linh vào dịp lễ Tết. Nếu du khách đến đây được gia chủ mở cửa chính đón tiếp thì hẳn họ đã coi bạn là một vị khách rất quí của gia đình.

 

3. Nét văn hóa đặc sắc của bản Cát Cát

Đồng bào Mông ở bản Cát Cát có bàn tay thêu thùa rất tài hòa nên từ ngàn đời nay, nghề dệt vải và nhuộm vải ở đây rất phát triển. Từ những khung dệt và qua sự khéo léo của những cô gái Mông, họ đã tạo nên những tấm vải được dệt đầy màu sắc với những hoa văn mô phỏng cây, lá, muông thú. Du khách khi đến đây có thể thỏa sức ngắm nhìn bàn tay dệt vải nhanh thoăn thoắt mà lại rất mềm mại như đang múa của các cô gái trên khung cửi. Những tấm vải bông, vải lanh sau khi đã được dệt thì tiếp tục trải qua công đoạn nhuộm và in thêu hoa văn trước khi trở thành trang phục dân tộc. Ngề nhuộm vải ở đây cũng là những nét đặc sắc mà đồng bào đã sáng tạo ra. Kỹ thuật nhuộm vải phổ biến là nhuộm tràm, nhuộm nươc tro thảo mộc và cây lá rừng rất thân thiện với môi trường. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong, người ở xa đến sẽ rất hiếu kì nếu được nhìn thấy cảnh tượng này. Những tấm vải này sau khi hoàn thiện sẽ được may thành những bộ váy áo duyên dáng của phụ nữ Mông, thể hiện tính cách mộc mạc, chân thành của người miền núi. Du khách đến nơi đây có thể tìm mua cho mình những bộ trang phục của người Mông, thong dong tản bộ trên những con đường lát đá của bản Cát Cát, ngắm nhìn cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây, còn gì thú vị hơn nữa.

Ngoài nghề dệt vải và nhuộm vải thì sự khéo léo tài hoa của người dân nơi đây còn được thể hiện qua những sản phẩm trang sức tinh sảo mà lại rất đẹp mắt. Nghề chạm bạc ở đây có từ rất lâu đời và được làm hoàn toàn thủ công. Những miếng bạc khi được các nghệ nhân chạm khắc sẽ trở thành những chiếc vòng cổ, lắc tay hay nhẫn, dây xà tích, được khách du lịch chọn mua rất nhiều mang về làm quà.

Điều đặc biệt khi đến với Cát Cát sẽ khiến du khách vô cùng thích thú là tục kéo vợ ở nơi đây. Tục lệ này đã có từ xa xưa, khi chàng trai đem lòng yêu cô gái thì sẽ kéo cô về nhà và giữ cô ấy trong 3 ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì hôn lễ sẽ được tổ chức sau đó. Đám hỷ ở nơi đây luôn là một sự kiện vui và được tổ chức rất linh đình trong sự chúc phúc của bà con trong bản làng.

 

4. Ẩm thực nơi đây

Sau một ngày tìm hiểu nét đẹp văn hóa của đồng bào người Mông, du khách có thể tìm cho mình một quán ăn ở khu chợ nhỏ, thưởng thức những món đặc sản nơi đây như thắng cố, rượu ngô Mông, thịt hun khói "khăng gai", tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, món đậu xị... Và nghe đâu đó văng vẳng lại tiếng khèn lá du dương, tiếng sáo Mèo khi trầm khi bổng của những chàng trai người Mông dành tình yêu và nỗi nhớ cho người con gái của mình. Bên kia góc chợ, một nhóm nam thanh nữ tú đang tập hợp lại và nhảy những điệu nhảy dao duyên, như một lời hẹn ước ngầm dành cho nhau. Còn gì thú vị hơn khi vừa được thưởng thức những món ăn ngon và được hòa mình trong không gian văn hóa độc đáo, mộc mạc chân chất của con người nơi đây.

 

5. Thời điểm lý tưởng nhất.

Du khách nên đến bản Cát Cát vào những ngày đầu xuân, khi thời tiết còn khá lạnh. Đây là khoảng thời gian diễn ra lễ hội lớn Gầu Tào – nét đẹp văn hóa luôn được gìn giữ qua bao đời nay, nhằm cầu phúc và cầu mệnh cho mọi người.

Xem thêm: