Trang chủ » Địa danh » Hải Dương » Côn Sơn – Kiếp Bạc

Côn Sơn – Kiếp Bạc

2014-02-10 15:25:25 | 2288 lượt xem

Chí Linh – mảnh đất địa linh nhân kiệt, một vùng đất tứ linh, ngũ ngạc, danh lam cổ kính với nhiều di tích lịch sử văn hóa mà tiêu biểu là danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với tên tuổi nhiều nhân vật nổi tiếng như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhà giáo Chu Văn An, Tư Đồ Trần Nguyên Đán, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi…

 

1. Vị trí & lịch sử

Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tọa lạc trên vùng đất đắc địa, không chỉ bao gồm núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc – ngọn núi 5 đỉnh kỳ vĩ mà còn tựa lưng vào núi Tráng Rồng, tiếp giáp với núi Phượng Hoàng và núi Rùa ở Tây Bắc. Nằm giữa những trái núi hội tụ đủ tứ linh: long, lân, quy, phượng, ở giữa là hồ đã tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Các tao nhân mặc khách của các triều đại đã tìm về vùng đất linh thiêng này để lánh đời. Thánh Võ Trần Hưng Đạo chọn Vạn Kiếp làm nơi lánh nhàn, thánh Văn Chu Văn An lấy núi Phượng Hoàng làm nơi giảng học, Trần Nguyên Đán mở động Thanh Hư ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi ẩn tàng ở Tư Phúc Tự. 

Chí Linh từ thời xa xưa là một trong bốn bức tường thành tự nhiên trấn thủ cho thành Thăng Long. Theo tiếng Hán, Chí Linh có nghĩa là đặc biệt linh thiêng.  Ở đây văn hóa Phật Giáo, Nho Giáo và Lão Giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ nhưng tất cả đều thấm đẫm nét văn hóa Việt Nam thuần nguyên.

Để đến với khu di tích này, du khách đi theo hướng Phả Lại, tới ngã ba thị trấn Sao Đỏ thì đi tiếp theo biển báo. Côn Sơn – Kiếp Bạc chỉ nằm cách Hà Nội 70km nên du khách có thể đi xe máy hoặc ô tô.

 

2. Các điểm tham quan ở Côn Sơn – Kiếp Bạc

Côn Sơn – Kiếp Bạc nằm trên thế rồng cuộn, hổ ngồi vì thế mà nơi đây có rất nhiều các truyền thuyết từ thời ông cha ta dựng nước, mở cõi. Dấu ấn ấy được thể hiện rõ qua mỗi công trình kiến trúc, các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối. Văn hóa Lý – Trần, văn hóa Lê Nguyễn được bảo tồn một cách khá nguyên vẹn cho đến tận ngày nay.

- Chùa Côn Sơn: có tên chữ là Thiên Tư Phúc Tự dịch ra tiếng Việt là trời ban cho phước lành. Chùa Côn Sơn được xây dựng từ thời Trần, đến thời Nhà Lê thì chùa được mở rộng quy mô rất nguy nga và đồ sộ.  Chùa Côn Sơn có giá trị văn hóa lịch sử rất đặc biệt, vì đây được xem như là chốn tổ của Thiền Phái Trúc Lâm – Thiền phái của riêng người Việt. 

- Đền thờ Trần Nguyên Đán: Trần Nguyên Hãn làm đến chức quan Tư Đồ, là một trong những tứ trụ dưới thời Trần. Khi ông ra làm quan, nhà Trần đã vào thời mạt vận, Hồ Quý Ly nắm quyền điều hành đất nước. Mặc dù bất lực trước thời thế nhưng ông chính là người có công đào tạo nên một danh nhân văn hóa lớn đó chính là nhà quân sự, chính trị tài ba Nguyễn Trãi. 

- Đền thờ Nguyễn Trãi: Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới, là người có công phò vua giành lại độc lập dân tộc sau hơn 20 năm dưới ách thống trị của nhà Minh. Côn Sơn là nơi Nguyễn Trãi lui về ở ẩn lánh đời và cũng là nhân chứng cho vụ án Lệ Chi Viên thảm khốc khiến gia tộc họ Nguyễn phải bị tru di cửu tộc. Đền thờ Nguyễn Trãi được dựng lên giữa khung cảnh thiên nhiên hữu tình với “suối chảy rì rầm” “đá rêu phong”. Rừng thông, con suối, ngọn núi nơi đây đã từng chở nặng biết bao cảm khái nhân tình, bao thi hứng của một tâm hồn lớn.

- Đền Kiếp Bạc: Kiếp Bạc là một địa danh lừng lẫy bởi vị trí vô cùng đặc biệt của nó, đây là nơi giao hòa của sáu con sông, nằm ở giữa hai xã, hai tổng, hai huyện, hai trấn. Đền được xây dựng dưới thời nhà Trần, nơi mà Thánh Võ Hưng Đạo Vương lui về lánh nhàn cuối đời, sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 và 3. Đền thờ được xây dựng sau khi Hưng Đạo Vương qua đời để tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông.

Với khung cảnh sơn thủy hữu tình và sự linh thiêng của mình, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thời đại nào cũng thu hút du khách tới đây thưởng ngoạn ngắm cảnh, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc trong suốt một thiên nhiên kỷ dựng nước và giữ nước.

 

3. Giá vé tham quan: 30.000đ/lượt

 

Xem thêm: