Trang chủ » Địa danh » Hà Nội » Cụm di tích Hồ Gươm

Cụm di tích Hồ Gươm

2014-08-05 14:02:14 | 3781 lượt xem

Rủ nhau thăm cảnh Kiếm Hồ - Thăm Cầu Thê Húc, thăm đền Ngọc Sơn” , Hồ Gươm, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên, đền Bà Kiệu không chỉ là những di tích lịch sử chứng kiến bao quá trình thăng trầm của mảnh đất ngàn năm văn hóa Thăng Long mà còn là cái hồn, là nét tâm linh được gìn giữ qua bao cuộc bể dâu của những con người Tràng An. 

 

1. Vị trí, phương tiện di chuyển

Cụm di tích Hồ Hoàn Kiếm bao gồm Hồ Gươm, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên, đền Bà Kiệu và một số các công trình kiến trúc thời Pháp quanh hồ. Cụm di tích nằm giữa lòng phố cổ Hà Nội, nơi lưu giữ hồn thiêng nghìn năm của Thủ Đô.

Để đi lên Hồ Gươm tốt nhất bạn nên sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, có thể đi xe đạp. Nếu đi xe máy hoặc ô tô thì nên gửi xe sau đó đi bộ dạo ngắm phố phường. Có rất nhiều các tuyến xe buýt đi qua Hồ Gươm như: 02, 08, 09, 14, 31 và 36.

 

2. Văn hóa - lịch sử

Hồ Gươm là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho rùa vàng. Hồ Gươm được hình thành từ khi nào không ai biết, chỉ biết rằng khi vua Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long đã có một khu hồ xanh biếc chạy dài từ phố Hàng Đào, qua Hai Bà Trưng, đến tận phố Hàng Chuối, nối liền với sông Hồng thông qua con sông Tô Lịch, người dân gọi là hồ Lục Thủy.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, sự hưng thịnh suy của hai triều đại Lý – Trần, bị giày xéo trong cuộc xâm lược của nhà Minh, hồ Lục Thủy là nơi vua Lê Lợi trả lại gươm cho Rùa vàng sau khi đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, giành độc lập cho dân tộc. Để ghi nhớ sự kiện này, hồ đổi tên thành Hồ Hoàn Kiếm. Đến thời Chúa Trịnh thì đổi thành Tả Vọng và Hữu Vọng.

Khi Thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội, khu hồ Hữu Vọng cũng bị vùi lấp trong quá trình kiến tạo địa lý, sông Hồng đổi dòng, sông Tô Lịch cũng không còn, Hồ Gươm chỉ còn lại phần Tả và tồn tại cho đến ngày nay.

 

3. Các di tích thắng cảnh, điểm tham quan bên Hồ Gươm

- Đền Ngọc Sơn: Đền Ngọc Sơn được xây dựng trên một đảo nhỏ nằm về phía Bắc của hồ mang vẻ đẹp cổ kính. Đền chính gồm hai ngôi nối liền nhau, ngôi đền thứ nhất về phía Bắc thờ Đức Đại vương Trần Hưng Đạo và thờ Đức Văn Xương Đế quân, Phật Adi Đà thể hiện tư tưởng tam giáo đồng nguyên thời Lý – Trần. Ngoài ra còn có Tháp Bút và Đài Nghiên.

- Tháp Rùa: Tháp Rùa được xây dựng trên một gò rùa, giữa lòng Hồ Gươm, được ví như là trái tim của thủ đô Hà Nội. Tháp Rùa , Hồ Gươm – Niềm tin và hi vọng, là biểu tượng thiêng liêng của mảnh đất nghìn năm tuổi. 

- Cầu Thê Húc: Cầu Thê Húc được coi là một trong những biểu tượng của Hà Nội. Cầu được ví như như một chiếc lược son chải lên mái tóc xanh biếc của Hồ Gươm.

- Đền Bà Kiệu: Đền Bà Kiệu nằm đối diện ngay với đền Ngọc Sơn. Dưới thời Pháp, do quy hoạch thành phố nên kiến trúc đền Bà Kiệu bị cắt làm hai nửa. Tam quan nằm phía bên kia bờ hồ chia cách với Đền chính bởi đường ven hồ. Đền Bà Kiệu thờ thánh mẫu Liễu Hạnh.

- Múa rối nước Thăng Long: Nếu có dịp đi lên Hồ Gươm bạn nên ghé thăm nhà Múa rối nước Thăng Long ở ngay ngã năm Hàng Đào. Ở đây thường có nhiều vở múa rồi nước rất hay.

- Bưu điện thành phố Hà Nội: Bưu điện Thành phố Hà Nội nằm ngay bên cạnh Hồ Gươm, được xây dựng trên nền đất của chùa Báo Ân. Đây là một trong những công trình kiến trúc Pháp tuyệt đẹp của thủ đô. 

- Tràng Tiền Plaza: Tràng Tiền Plaza được xây dựng trên nền Bách Hóa Tổng hợp Hà Nội cũ, đây là một trong những trung tâm thương mại mua sắm lớn nhất Hà Nội.

- Vườn hoa Lý Thái Tổ: Vườn hoa Lý Thái Tổ là một điểm vui chơi nằm đối diện với Hồ Gươm. 

Hình ảnh Tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn là những hình ảnh rất đỗi thân quen với Hà Nội. Những hình ảnh đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhắc đến Hà Nội. Nó mang trong mình vẻ uy nghi, cổ kính và những nét rất riêng giữa thành phố mấy triệu con người.

 

4. Giá vé tham quan

- Đền Ngọc Sơn: 20.000đ/khách. Mở cửa từ 8h00 - 17h00 hàng ngày.

- Múa rồi nước Thăng Long: 60.000 - 100.000đ/khách. 

 

Xem thêm: