Trang chủ » Địa danh » Hải Phòng » Đền Trạng Trình

Đền Trạng Trình

2014-02-11 11:38:32 | 2155 lượt xem

Đền Trạng Trình là một trong những di tích nổi tiếng của Hải Phòng, nơi thờ và trưng bày hiện vật về thân thế, sự nghiệp của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.

 

1. Vị trí & lịch sử

Đền Trạng Trình được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử Quốc Gia, nằm ở làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng. Đền Trạng Trình thờ cụ Nguyễn Bình Khiêm – nhà văn hóa chính trị, nhà tiên tri nổi tiếng của nước ta vào thế kỷ thứ 16. Trạng Trình xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho bảng lâu đời, là một người học rộng, tài cao nhưng lại lận đận trong con đường khoa cử. Mãi đến năm 44 tuổi, ông đỗ liên tiếp trong ba kỳ Thi Hương, Thi Đình và Thi Hội. Vì là người có nhân cách và tài năng lỗi lạc nên đã được triều đình trọng dụng, làm đến chức quan tam phẩm dưới thời Mạc. Trạng Trình là một trong số ít những người có thể am hiểu sâu sắc Lý học, kinh dịch, quẻ bói và sách Thái Ất thần kinh, được nhân dân vô cùng kính trọng. Sau khi qua đời, người dân đã lập một khu đền tưởng nhớ đến vị phu tử liêm khiết này. Ngôi đền trải qua bao thăng trầm, bị phá hủy bởi chiến tranh và được xây dựng trùng tu nhiều lần, đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hiếm nơi nào có được.

Để đi thăm khu di tích này, phương tiện giao thông phổ biến nhất chính là Ô tô và xe máy. Các xe khách từ Hà Nội đi Hải Phòng thường đỗ ở bến xe Lương Yên và bến xe Giáp Bát, giá dao động từ 70.000đ – 90.000đ/chiều. Nếu đi xe máy, du khách đi thẳng đường Quốc Lộ số 5, xuống Hải Phòng, rồi sang xã Lý Học là đến.

 

2. Kiến trúc độc đáo 

Khu chính đền thờ Trạng Trình gồm 3 gian, được xây dựng trên nền Am Bạch Vân xưa. Phía trước chính điện là hai cái hồ tròn và vuông, một cái tượng trưng cho trời, cái còn lại tượng trưng cho đất. Trong đền có bức đại tự “An Nam lý học”, gắn liền với những truyền kỳ về Sấm Trạng Trình, trong đó nổi tiếng nhất là câu sấm truyền “Hoàng Sơn nhất đái vạn đại dung thân”, khuyên chúa Nguyễn Hoàng rời vào Đàng Trong, sau này sẽ được hiển vinh và lời tiên tri về việc Nguyễn Công Trứ, đào kênh cho phá đền thờ của ông thời vua Minh Mạng thứ 14, sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm mất khoảng 200 năm.

Bên cạnh khu đền chính thờ Trạng Trình, nhân dân còn xây dựng thêm khu đền thờ song thân của cụ. Đến nay, dân gian vẫn đang còn lưu truyền nhiều những huyền tích ca ngợi tài năng, đức độ của bà Nhữ Thị Thục – thân mẫu của Nguyễn Bình Khiêm. 

Điểm nhấn của khu di tích là ba gian nhà lớp ngói, mô phỏng am Bạch Vân xưa. Sử sách còn ghi lại rằng, sau khi làm quan được 8 năm, trước cảnh tranh giành địa vị, quyền thần lộng hành, dối vua hại dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ lên vua vạch trần và xin xử trảm 18 quyền thần mưu phản. Không được nhà vua đồng ý, Ông xin cáo lão về quê và dựng Am Bạch Vân bên bờ sông Tuyết, dạy học, làm thơ, nghiên cứu dịch học. Những khu vườn tượng chính là nơi mô phỏng về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bình Khiêm với đường nét sống động, có kích thước giống hệt với người thật.

Ngoài ra, khu di tích còn có rất nhiều điểm tham quan khác như: quán Trung Tân, Tháp Bút Kình Thiên, nhà trưng bày, chùa Song Mai, hồ bán nguyệt…

Đến với khu di tích Trạng Trình, du khách không chỉ thành kính, dâng nén hương thơm tưởng nhớ đến một danh nhân văn hóa đã mãi lưu danh cùng đất nước mà còn được tham quan vãn cảnh, tận hưởng không khí trong lành của một làng quê yên bình.

 

Xem thêm: