Trang chủ » Địa danh » Hà Nội » Làng gốm cổ Bát Tràng

Làng gốm cổ Bát Tràng

2014-08-05 14:19:53 | 3344 lượt xem

Việt Nam có rất nhiều những làng nghề truyền thống khác nhau, một trong những làng nghề còn lưu danh và được nhiều người biết đến đó là Làng gốm Bát Tràng. Những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam đã được các nghệ nhân làm gốm khéo léo đưa vào tác phẩm của mình một cách tinh tế tạo nên một “hồn gốm” rất riêng của vùng đất ven sông Hồng này.

 

1. Vị trí địa lý

Làng nghề truyền thống Bát Tràng nằm ở huyện Gia Lâm, trên đầu mối giao thông thủy bộ Miền Bắc, chỉ cách Hà Nội 10km. Nếu đi từ trung tâm thành phố du khách có thể có thể đi từ Cầu Chương Dương rồi theo đường 5, rẽ lên đê hoặc đi đường sông, đến bến tàu Chương Dương rồi xuôi về cảng Bát Tràng ở gần đình làng.

Từ khu vực Giáp Bát thì đi từ cầu Thanh Trì sang đường cao tốc mới, rồi rẽ xuống. Hiện nay, việc đến Bát Tràng hết sức dễ dàng do công ty Vận tải Hà Nội đã mở tuyến xe buýt 47 từ Long Biên đện tận chợ gốm cổ.

 

2. Lịch sử làng nghề

Làng Bát Tràng đã có hơn 700 năm lịch sử. Khi Lý Thái Tổ rời đô ra Hoa Lư, một số cư dân ở cùng Ninh Trường (Vùng Tiếp ráp Ninh Bình và Thanh Hóa) đã ra Bát Tràng lập nghiệp, nhằm phục vụ cho việc xây dựng kinh thành. Từ lớp dân cư đầu tiên này, cư dân đông đúc dần lên và đây là cơ sở cho sự hình thành xã Bát Tràng vào thế kỷ thứ 15. Bát Tràng cũng từ một làng gốm bình thường đã học tập sáng tạo thêm các kỹ thuật làm gốm khác, trở thành trung tâm làm gốm nổi tiếng bên cạnh Thổ Hà, Phù Lãng. 

Thế kỷ 15 - 16, dưới thời nhà Mạc, việc giao thương trong nước khá phát triển, các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được lưu thông rộng rãi. Từ đó, Bát Tràng trở thành một thương hiệu gốm sứ nổi tiếng được nhiều người biết đến. Thế kỷ thứ 17 đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của Bát Tràng trong việc sản xuất gốm sứ: gốm Bát Tràng bắt đầu được tiếp nhận trên thị trường thế giới, được nhập cảng vào Nhật Bản và các nước Đông Á.

Từ thế kỷ thứ 19 trở đi, những người thợ Bát Tràng đã sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong Việt Nam như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện… Ngày nay, Bát Tràng là một trong những làng nghề phát triển nhất của cả nước, là làng nghề kiểu mẫu thời hội nhập.

 

3. Các địa điểm tham quan ở làng gốm

- Chợ gốm Bát Tràng: Chợ gốm cổ Bát Tràng nằm ở trung tâm làng, với 200 gian hàng phong phú về mẫu mã sản phẩm là địa điểm du lịch hấp dẫn được khách du lịch ghé thăm. 

- Đình Bát Tràng: Đình làng Bát Tràng có kiến trúc độc đáo. Hiện nay, vẫn đang bảo tồn rất nhiều các bức sắc phong và bức đại tự “Hiếu nghĩa cấp công” của Vua Tự Đức.

- Chùa Bát Tràng: Chùa Bát Tràng mới được khởi công trung tu lại. Các nghệ nhân làng nghề đã đưa hết tất cả những tinh hoa gốm sứ của làng nghề để tạo nên một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật.

- Nhà cổ Bát Tràng: Bát Tràng là một làng nghề có bề dày lịch sử và văn hóa, hiện vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn hệ thống đình đền và nhiều ngôi nhà cổ, ngõ cổ có tuổi đời trên 100 năm, hệ thống nhà thờ các dòng họ (19/23 dòng họ) được thờ phụng từ khi lập làng tới nay.

- Khu tưởng niệm Bác Hồ: Khu tưởng niệm Bác Hồ là trưng bày các tư liệu về ngày Bác Hồ ghé thăm làng nghề truyền thống Bát Tràng 20/02/1958.

- Xưởng gốm và sân chơi gốm Bát Tràng: Làng Bát Tràng có rất nhiều các xưởng và sân chơi gốm cho du khách ghé thăm. Quý khách có thể chiêm ngưỡng quá trình làm gốm hoặc tự tạo cho mình những món đồ đơn giản như cốc, bát, lọ hoa...

- Du lịch trên sông: Hiện Bát Tràng đang kết hợp với Sở Văn Hóa Hà Nội làm tour du lịch trên sông, rất hấp dẫn khách du lịch.

 

4. Ẩm thực Bát Tràng

Khi tham quan làng cổ Bát Tràng đã thấm mệt, du khách có thể dừng chân thưởng thức các món ẩm thực độc đáo mà chỉ ở riêng Bát Tràng mới có như: măng mực, các loại bánh truyền thống: bánh sắn, bánh tẻ hoặc thưởng thức các món uống hấp dẫn như chè hạt hoa sói, nước vối...

Nếu có dịp đi du lịch ra miền Bắc Việt Nam, du khách không nên bỏ lỡ địa điểm du lịch lý thú làng gốm Bát Tràng, đây không chỉ là một làng nghề truyền thống, nơi giao thương buôn bán mà còn là một nét đẹp văn hóa mà ông cha ta còn lưu giữ được cho đến ngày nay, thể hiện bản sắc dân tộc Viêt Nam với các quốc gia trên thế giới với những tạo hình nghệ thuật từ đất sét.

 

Xem thêm: