Trang chủ » Địa danh » Hải Dương » Làng gốm cổ Chu Đậu

Làng gốm cổ Chu Đậu

2014-08-07 16:40:58 | 2200 lượt xem

Làng gốm cổ Chu Đậu phát triển rực rỡ vào giai đoạn thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Sau hơn ba thế kỷ thất truyền, nay gốm Chu Đậu hồi sinh, trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị với những sản phẩm đạt đến độ tinh xảo, điêu luyện mang đậm giá trị nhân văn của Phật giáo và Nho giáo. Đồng thời, chính sự phục hồi của làng nghề đã biến nơi đây trở thành địa điểm thăm quan thú vị của rất nhiều du khách. 

 

1. Vị trí 

Làng gốm cổ Chu Đậu thuộc huyện Nam Sách, Hải Dương, cách thành phố Hà Nội khoảng 70km. Đã có một thời, làng gốm cổ Chu Đậu lừng danh bởi nghệ thuật men gốm hoa lam độc đáo. 

 

2. Lịch sử 

Làng gốm Chu Đậu được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 14, dưới Triều Trần. Khi ấy loại gốm trắng men lam rất được giới quý tộc ưa chuộng, gốm men lam, men lục dùng làm bình hoa trang trí, đồ vật dụng trong gia đình, làm họa tiết trang trí ở đình, chùa…Nhưng qua thời gian, phương pháp này tưởng chừng như đã thất truyền, mãi cho đến khi các nhà khảo cổ học trục vớt được một con tàu đám ở Cù Lao Chàm, chở hàng ngàn các cổ vật bằng sứ được sản xuất ở Chu Đậu thì một lần nữa, làng nghề làm gốm cổ lại được sống dậy. Làng gồm Chu Đậu ngày xưa có tên gọi là Trần Triều Hải Hậu, trong trí nhớ của các bậc cao niên trong làng, Chu Đậu là một làng quê hiền hòa, nằm nép mình bên dòng sông Thái Bình. Đây là nơi khai sinh của dòng gốm bác học, đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật. Hàng trăm năm chôn vùi dưới lòng đất, các tiêu bản của gốm Chu Đậu vẫn giữ được nguyên màu sắc và đường nét, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất của một sản phẩm gốm mỹ nghệ cao cấp được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, có dáng mềm mại của gốm thời Lý, chắc khỏe của gốm thời Trần. Gốm Chu Đậu có lẽ bị thất truyền vào những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất thời Lê – Mạc. Do sự trả thù của nhà Lê với nhà Mạc mà các lò gốm Chu Đậu bị tàn phá nặng nề, nhiều dòng họ của làng mãi đến hàng trăm năm sau mới dám quay lại họ chính của mình.

 

3. Gốm Chu Đậu – chất liệu và tạo hình

Trước năm 1963, các nhà khảo cổ học Việt Nam chưa hề biết đến loại gốm cổ Chu Đậu, do kỹ thuật chế tác loại gốm này đã bị thất truyền. Nhưng những sản phẩm gốm Chu Đậu đã tồn tại ở khắp các Châu Lục thông qua việc giao thương. Có hơn 40 bảo tàng lớn trưng bày các sản phẩm của gốm Chu Đậu với tên gọi là Gốm Việt Nam. 

Gốm Chu Đậu là một điển hình cho tinh hoa gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam. Chất liệu chính của gốm Chu Đậu là được làm từ đất sét trộn lấy từ núi Chí Linh với cao lanh. Đất sét nơi đây là trầm tích, lắng đọng của sáu con sông và khá mỏng. Hỗn hợp này được hòa trong nước để lọc đi những tạp chất qua một hệ thống máng dẫn và bể ngắn. Sau quá trình lắng lọc thu được hai hợp chất gồm lỏng và nhuyễn, người ta cho thêm chất phụ gia, phối luyện thành hồ gốm. Lắng lọc gốm càng lâu thì cho màu gốm càng bóng, đẹp, có trong như ngọc. Sau đó, người ta tạo dáng bằng bàn xoay. 

Ngày nay, làm gốm Chu Đậu bằng cách đổ gốm vào khuôn thạch cao. Khó nhất là kỹ thuật căn chỉnh đồng tâm và nạo chuốt. Gốm Chu Đậu đa phần có men trắng trong, hoa lam, men lục, xanh nâu, men tam thái. Trang trí gốm rất phong phú từ đắp nổi, đắp chỉ, vẽ công phu, phóng bút, thần bút rất phóng khoáng tuân theo một chuẩn mực nghiêm ngặt về thẩm mỹ. Màu vẽ dưới men chủ yếu là oxit coban, phủ ngoài men tro và ngọc hoặc nét khắc tô nâu. Người thợ vẽ xưa đã phản ảnh khung cảnh thiên nhiên sinh động và cuộc sống dân dã của người Việt như hoa sen, hoa cúc, lá chuối, vịt trời bay trên sông, chim Lạc Việt thể hiện vẻ đẹp thuần khiết Việt Nam. Nổi bật trong nghệ thuật tạo hình là bình hoa lan và bình tỳ bà. Có loại men gốm trong đến mức có thể nhìn xuyên qua bình, thấy nước sóng sánh bên trong. 

Về thăm làng gốm Chu Đậu hôm nay, du khách lại được thấy lại khung cảnh làm gốm nhộn nhịp của một vùng đất sau 500 năm bị thất truyền, chiêm ngưỡng nghệ thuật tạo hình gốm độc đáo của cha ông ta đã để lại qua những tác phẩm gốm cổ ở bảo tàng gốm và tìm lại được những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa Việt.

 

Xem thêm: