Trang chủ » Địa danh » Bến Tre » Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc

2014-08-07 14:03:33 | 2824 lượt xem

Đến với làng nghề làm bánh phồng Sơn Đốc,du khách không chỉ được thưởng thức hương vị béo ngậy của loại bánh độc đáo được làm từ gạo nếp và nước cốt dừa mà còn được hòa mình vào trong không khí sôi động của một làng nghề đã có hơn 200 năm tuổi đang từng ngày đi lên, khẳng định thương hiệu truyền thống của mình giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại.

 

1. Vị trí, lịch sử

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc thuộc huyện Giồng Trôm, cách làng bánh tráng Mỹ Lồng khoảng 10km, từ xã Mỹ Thạnh đi theo hướng Ba Tri, gặp ngã ba là tới Sơn Đốc. Không biết nghề làm bánh phồng Sơn Đốc ra đời từ khi nào và do ai sáng tạo nên, chỉ biết rằng từ bao đời nay, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước chung tay làm hưng thịnh làng nghề. 

 

2. Độc đáo hương vị bánh phồng Sơn Đốc

Tương tự bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc ngon, thơm và béo ngậy bởi vị nước cốt dừa, mặc dù hiện nay, có thêm bánh phồng hành, bánh phồng mặn, nhưng bánh phồng dừa vẫn được khách hàng ưa chuộng hơn cả.

Công đoạn làm bột cán bánh phồng cũng gần tương tự với quá trình làm bánh tráng dừa, tuy nhiên nếu như bánh tráng được làm từ gạo tẻ thì bánh phồng phải làm từ gạo nếp hoặc củ mì. Khoai mỳ sau khi được hấp chín, lấy xơ, rồi xay và quết nhuyễn. Trước đây, khi chưa có máy móc, thì quết khoai rất vất vả, đòi hỏi phải sức lực thanh niên, hiện tại thì đã có máy hỗ trợ nên người làm bánh cũng bớt được một phần công đoạn. Bánh sau khi được quết nhuyễn thì đem vào bánh cán, cán mỏng rồi dập theo khuôn hình tròn. Đây là công việc đòi hòi đến đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ, làm sao cho những chiếc bánh tròn đều như nhau với đường kính 15cm. Công đoạn sau cùng là mang ra sân phơi. Bánh phồng được phơi trên những chiếc chiếu mới, còn thơm mùi lác, một manh chiếu có thể dùng trong cả một mùa, nhưng thường người người thợ ở Sơn Đốc thường chỉ dùng một lần, bởi vì chỉ có mùi lác mới mới làm cho bánh phồng có hương thơm nồng nàn. Những chiếc bánh phồng sau khi được phơi nắng, sẽ đem về nhà quạt cho nguội rồi xếp 10 cái một tệp, cho vào túi bóng, buộc lại thật chặt rồi đem đi tiêu thụ ở các nơi.

Trải qua bao thăng trầm, biến đổi, nghề làm bánh phồng ở Sơn Đốc đang ngày càng hưng thịnh và phát triển, tiếng chày cối nhộn nhịp khắp các thôn làng ngõ xóm, những mẻ bánh mới ra lò thơm nồng nàn quyến rũ khách phương xa tới thăm.

 

3. Giá bánh

Giá bánh: 30.000đ – 50.000đ/ chục. 

 

Xem thêm: