Trang chủ » Địa danh » Bến Tre » Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng

2014-08-07 14:13:41 | 3368 lượt xem

"Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc”, câu nói ca tụng sự khéo léo và uy tín của làng nghề làm bánh tráng dừa đặc trưng ở Bến Tre, thế hệ sau cứ nối tiếp ông cha, làm hưng thịnh cả một làng nghề đã có hơn trăm năm tuổi. 

 

1. Vị trí, lịch sử làng nghề

Làng nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng thuộc huyện Giồng Trôm, cách thị xã Bến Tre khoảng 10km. Du khách có thể thuê taxi, xe máy hoặc di xe buýt để ghé thăm làng nghề truyền thống này. Mỹ Lồng là một làng nghề đã có lịch sử hơn trăm tuổi, trước kia được gọi là Mỹ Lung  nổi tiếng với bánh tráng dừa và bán cau. Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng ở Giồng Trôm được gây dựng lên bởi những người phụ nữ thôn quê, các chị chịu thương chịu khó, thức khuya, dạy sớm, cần cù tráng bánh để lo toan cuộc sống gia đình. Ban đầu chỉ có vài người làm bánh, sau đó tiếng lành đồn xa, nhiều lái buôn đến hỏi mua, thế rồi cả làng làm bánh, thương hiệu “Bánh tráng Mỹ Lồng” cũng nổi danh từ đó.

 

2. Đặc sắc nghề làm bánh tráng dừa

Bước qua cầu Chẹt Sây, du khách sẽ thấy ngay những dàn phơi bánh ở khắp mọi nơi trên các ngả đường, dọc bờ kênh rạch, trong sân nhà, dưới những gốc dừa đang đu mình trong gió, trong nắng Bến Tre. Mua bánh tráng Mỹ Lồng thì ở Bến Tre chỗ nào cũng có nhưng chỉ có xuống dưới làng làm bánh, du khách mới hiểu hết được sự nhọc nhằn, tần tảo của những chị, người mẹ ở Giồng Trôm.

Điểm làm nên sự khác biệt của bánh tráng Mỹ Lồng, khiến ai thưởng thức một lần cũng phải nhớ tới sự béo ngậy, đậm đà trong từng miếng bánh giòn tan ấy chính là hương vị dừa Bến Tre. Trước đây, muốn lấy nước cốt dừa, người dân phải bào nhỏ dừa rồi vắt lấy nước cốt, nhưng hiện nay nhờ máy ép dừa mà công đoạn cũng bớt gian nan đi rất nhiều. Nước cốt dừa sau khi ép, phải cho vào nồi đun sôi, để lửa liu riu cho thật sệt, sau đó trộn cùng gạo rồi cho vào máy xay bột. Nhà nào kỳ công thì xay bằng cối đá truyền thống, không thì cho vào máy xay hiện đại để nước cốt dừa ngấm đều cũng với bột nước, cứ 10kg gạo thì cho 14 – 16kg dừa. Tùy theo là bánh tráng ngọt hay mặn mà người thợ cho đường hoặc cho muối vào, ngoài ra còn có thể cho thêm các vị trái cây vào như sầu riêng, xoài, dưa gang…

Công đoạn tráng bánh là công đoạn khó nhất, chỉ có những người phụ nữ lành nghề mới có thể tráng bánh đều và đẹp. Lò tráng bánh được làm thủ công, phía trước là nồi nước to, phía trên nồi căng một lớp vải mềm và mịn. Bột nước sẽ được múc từng vá và đổ đều lên mặt vải, tán mỏng, bánh vừa trở mình trong vắt là dùng ống tre nhấc ra, rồi trải đều sang phên dừa, rồi đem phơi nắng. Nếu như ở những nơi khác, du khách chỉ có thể mua được loại bánh tráng phơi khô, thì đến với lò bánh Mỹ Lồng, bạn sẽ được thưởng thức món bánh tráng nóng hổi mới được tráng xong, hương vị béo ngậy của dừa cùng vị thơm của mè, tỏa ra theo làn khói mỏng khiến ai cũng phải xuýt xoa, tán thưởng, ấy chính là một cái thú khi trực tiếp đến làng nghề. Công đoạn phơi nắng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, không phải loại nắng nào cũng phơi, nếu nắng nhỏ thì bánh không khô, nắng gặt quá thì bánh sẽ bị vỡ. 

Những chiếc bánh tráng dừa mang hương vị đặc trưng của Bến Tre là sự kết tinh của sự sáng tạo, khéo léo của người cũng những sản vật phong phú mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây. Đến với làng nghề sản xuất bánh tráng thủ công Mỹ Lồng, du khách không chỉ thưởng thức hương vị béo thơm của bánh mà còn thưởng thức âm thanh của tiếng cối đá xay bột trong đêm, thưởng thức những phên dừa phơi bánh tráng khắp mọi nẻo đường.

 

3. Giá bánh tráng dừa

Giá bánh tráng dừa: 30.000đ – 45.000đ/chục.

 

Xem thêm: