Trang chủ » Địa danh » Lào Cai » Lễ hội Roóng Poọc

Lễ hội Roóng Poọc

2014-02-18 11:59:38 | 1842 lượt xem

Vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hằng năm, tiết trời còn se lạnh, khi cỏ cây trong thung lũng Mường Hoa bắt đầu khoe những nụ chồi non xanh biếc thì cũng là lúc đồng bào dân tộc Giáy ở Sapa tổ chức lễ hội Roóng Poọc – lễ hội quan trọng và lớn nhất của người dân nơi đây để cầu mong sang năm mới mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận gió hòa.

 

1. Địa điểm diễn ra lễ hội 

Tuy vốn là lễ hội truyền thống của người Giáy nhưng không vì thế mà lễ hội bị bó hẹp trong không gian nhỏ, và lễ hội đã trở thành ngày hội lớn ở thung lũng Mường Hoa rộng lớn. Từ mờ sáng tinh sương, từng tốp người túm năm tụm ba trong trang phục dân tộc mình hết sức duyên dáng về dự hội. Người Mông từ Hầu Thào, Lao Chải dồn xuống, người Dao từ Bản Hồ, Bản Phùng ngược lên, du khách từ thị trấn SaPa cũng tới dự làm cho lễ hội đông vui tới vài nghìn người.

 

2. Diễn biến lễ hội Roóng Poọc

Có lẽ với du khách từ phương xa về dự hội thì có lẽ tên của lễ hội hơi khó đọc và có thể họ chưa hiểu được tên của lễ hội. Theo tiếng Giáy thì “Roóng” nghĩa là xuống, còn “Poọc” nghĩa là đồng ruộng, nhưng theo người dân tộc thì “Pọoc” ở đây mang nghĩa là “hội” nhiều hơn, vì ý chỉ có đông người tham gia.Với ý nghĩa đó thì lễ hội được tổ chức ở cánh đồng lớn trước làng để có thể đủ sân chơi cho hàng nghìn người tham gia. Và theo như một lễ hội truyền thống của người Việt nói chung thì lễ hội Roóng Poọc bao gồm các phần chuẩn bị cho lễ hội, phần lễ, phần hội và phần kết thúc và các phần này phải được thực hiện một cách tuần tự như trên.

- Phần chuẩn bị cho lễ hội rất quan trọng vì nếu trong khâu chuẩn bị có chút sơ xuất thì theo quan niệm của người dân nơi đây, lễ hội sẽ mất đi sự linh thiêng của nó. Từ sáng sớm các chức sắc trong làng đến nhà chủ làng để chuẩn bị các đồ cúng thần, treo vòng mặt trời. Sau nữa là cắt con âm dương dán lên mặt trăng… Tất cả lễ vật chuẩn bị đều được đưa ra vào bảy giờ sáng. Đầu tiên người ta đặt bàn thờ cúng thần, trên bàn gồm có : một bát gạo to đặt trên một tấm vải mộc trắng tự dệt lấy; cắm năm nén hương, ba nén sau hai nén trước. Trước bát hương có 5 chén to úp miệng xuống và 5 chén con đặt lên trên 5 chén to đó để rót nước trà hoặc rượu cúng. Hai bên có hai đĩa trứng luộc nhuộm phẩm đỏ, mỗi bên hai quả, có đĩa đồ trang sức bằng vàng bạc, có đĩa cá rán, hai củ măng vầu, xôi đỏ 7 bát con, 7 đôi đũa, bỏng ngọt 5 bát và một bát nước lã, trong bát ấy có 5 hào bạc trắng để làm phù phép, sáu quả còn của những cô gái chưa chồng, mỗi bên hai quả.Đằng sau bàn cúng thần đặt một ghế băng, trên đó đặt một chiếc khăn chiên gấp gọn. Hai đầu ghế đặt một gánh cỏ non độ một bàn tay nhỏ, đầu kia đặt một gánh củi cũng độ một bàn tay nhỏ. Sau khi đặt bàn cúng thì người ta thắp hương và tiến hành lễ chôn cột còn. Cột còn được chôn chặt theo hướng của vòng mặt trời quay về đông.

- Phần lễ: Sau phần chuẩn bị cho lễ hội thì phần lễ sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của thầy cúng, người dân bên dưới đều giữ im lặng để không gian diễn ra lễ hội được trang nghiêm. Đầu tiên, thầy cúng bắt đầu khấn vái để mời thần thánh đến chứng giám. Tiếp theo đó thầy sẽ  xin âm dương bằng một đoạn cành đào dài độ một ngón tay trỏ, chặt vắt hai đầu, chẻ đôi, khi xin nếu một mảnh sấp một mảnh ngửa là thần đã đến, còn không thì thầy sẽ phải mời đến khi nào được thì tiếp tục. Sau khi mời thần đến rồi thì lấy bát nước trắng trên bàn cúng như đã được thần phú phép vào và đem lợn, gà, vịt ra giết mổ. Sau khi luộc chín chúng thì bày mâm cỗ lên cúng thần. Những chén nước trà cúng ban đầu được thay bằng rượu trắng. Thần làng người Giáy thờ gọi là “srảy pướng” — quan làng, là vị thần không xác định. Sau khi mâm cơm cúng được chuẩn bị xong, người thầy cúng thắp 3 nén nhang, vái 3 lần rồi cắm vào nén nhang và bắt đầu đọc bài tế. Sau đó lại gieo quẻ xin âm dương và cúng, nội dung chủ yếu là ước mong cuộc sống sung túc, ấm no hạnh phúc, bảo vệ xóm làng bình yên, lúa cây tốt tươi, trâu bò lợn gà đầy chuồng, cá đầy sông suối, người dân làng không bệnh tật, ốm đau …

- Phần hội, tiếp theo phần hội sẽ được chính thức bắt đầu sau tiếng trống và tiếng kèn của đội kèn “pí lè”. Phần hội là phần được đông đảo người dân hướng ứng nhiệt tình tham gia nhất với nhiều trò chơi dân gian độc đáo như : kéo co, ném còn. Tuy nhiên, mở đầu phần hội thì những người già trong làng cũng tham gia trò chơi với hình thức chơi kiểu nghi lễ tượng trưng.

Sở dị hội Roóng Poọc là một ngày hội lớn của người Giáy vì họ quan niệm trời là cao nhất, trời sinh ra tất cả lành, dữ, xấu, tốt. Tiên cũng ở trên trời nhưng tiên chủ yếu làm ra điều tốt lành. Thần là ở trần gian, thần là người trực tiếp làm ra những điều lành, dữ, xấu, tốt. Do đó lễ hỗi “Roóng Pọoc” cũng là cúng cả trời, cả tiên và cả thần  để người dân làng khi bước sang một mùa vụ mới sẽ được mùa màng bội thu, cuộc sống âm no.

Nếu có cơ hội đến với Sapa đúng dịp tổ chức lễ hội Roóng Pọoc thì chắc hẳn du khách sẽ rất thích thú khi được cùng người dân nơi đây hòa mình vào lễ hội lớn nhất thung lũng Mường Hoa và tận hưởng những khoảng không bao giờ quên. 

 

Xem thêm: