Trang chủ » Địa danh » Quy Nhơn » Mua gì ở Quy Nhơn?

Mua gì ở Quy Nhơn?

2014-07-03 16:23:07 | 7463 lượt xem

Không chỉ ẩn chứa những điều huyền bí từ xa xưa, là nơi phát tích của triều đại Tây Sơn với vị vua Quang Trung áo vải lẫy lừng, miền đất võ Bình Định còn ghi lại dấu ấn trong lòng du khách bởi những món quà đặc sản độc đáo không nơi nào có được.

 

1. Rượu Bàu đá

Nếu có dịp ghé qua Bình Định, du khách không thể không tìm đến thôn Phù Lâm, xã nhân Lộc, huyện An Nhân, nơi có ngôi làng cổ nằm giữa cánh đồng – đây chính là nơi sản xuất ra loại gạo nếp dùng để nấu rượu Bàu Đá. Tên làng, tên rượu là tên của một bàu nước ngày xưa người dân hay lấy nước ở đó về để dùng trong sinh hoạt và nấu rượu. Rượu Bàu đá, khi rót ra chén hoặc chai thấy sủi bọt, mở nắp ra là mùi thơm ngào ngạt, chỉ ngửi thôi cũng đã thấy lâng lâng.

 

2. Bánh tráng dừa

Bánh tráng dừa được làm ở xã Tam Quan. Bánh tráng dừa ở đây dày và thơm mùi dừa và vừng, là một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Bình Định. Bánh tráng dừa được làm từ bột gạo tẻ dẻo được xay thành bột ướt, rồi cho nước dừa với cùi dừa nạo sợi hoặc bào mỏng vào. Khi tráng bánh, rắc thêm một ít vừng và hạt tiêu lên phía trên, sau đó bánh được phơi nắng Bình Định, khi ăn thì nướng đều hai mặt.

 

3. Mực tẩm đóng hộp

Mực tẩm gia vị là một món ăn ngon của vùng biển Quy Nhơn. Mực sau khi câu về, làm sạch có thể xé sợi mỏng hoặc cán ra cho thật mỏng, tẩm ướp gia vị rồi cho vào lò nướng hoặc sấy cho đến chín. Mức tẩm dai dai, giòn giòn, thơm mùi mực, ăn chua chua cay cay, ngọt ngọt, mặn mặn. Mực được bán theo hộp và với loại mực tẩm ngon thì giá thành tương đối cao 630.000đ/kg.

 

4. Bún song thần An Thái.

Bún song thần An Thái từ lâu đã nổi danh với câu ca dao “"Nón ngựa Gò Găng/Bún Song Thằn An Thái” . Khác với các loại bún khô ở miền Bắc thường làm bằng bột gạo, bún song thần được làm từ bột các loại đậu, ngon nhất là bún được làm bột đậu xanh. Đậu cũng phải chọn loại hạt mẩy, hạt nào hạt nấy đều chằn chặn và không bị lép. Công đoạn làm bún rất tỉ mỉ và công phu, phải xay bột nước rồi lọc lấy phần tinh bột, phơi khô sau đó nhào bột với nước tinh khiết cho thật đều, cho vào rá có lỗ rê trên nồi nước sôi, sau khi bún chín thì vớt bỏ vào thau nước lạnh, rồi đem đi phơi nắng.

Thời điểm thích hợp để phơi bún là từ tháng 3 – 6, dưới cái nắng của Quy Nhơn, gió từ sông Côn thổi vào, bún mới được thăng hoa trở thành một món đặc sản đặc biệt của vùng đất võ.

 

5. Nước mắm dừa Tam Quan

Nước mắm dừa Tam Quan cũng có màu vàng và vị mặn như các loại mắm được làm từ các loại cá biển tuy nhiên nguyên liệu để làm ra loại mắm này lại là từ nước dừa già. Để làm ra 1 lít nước mắm dừa Tam Quan thì người dân ở đây phải dùng đến đến 6 lít nước dừa già nên loại mắm này thường sản xuất với số lượng rất ít và hiếm. Điểm đặc biệt của nước mắm dừa là không cần chưng cất, cũng không cần quá nhiều thời gian, miễn là đủ nước dừa. Nước dừa già cho vào nồi, đun liu riu lửa cho đến khi ngả sang màu vàng thì cho muối vào, để nguội là đã có thể ăn được ngay.

 

6. Đồ lưu niệm

Đồ lưu niệm Quy Nhơn được bán nhiều ở khu mộ Hàn Mạc Tử và bãi biển Hoàng Hậu. Ở đây có những quấy lưu niệm bán một số các câu thơ của nhà thơ Hàn Mặc Tử khắc trên gỗ, đá, một số đồ trang sức bằng trai, ốc. Đặc biệt, ở khu vực này có một cửa hàng tranh cát của một cô bé khuyệt tật được đông đảo khách du lịch yêu thích. Các sản phẩm tranh cát có giá từ 70.000đ – 200.000đ tùy theo kích cỡ, hình dáng và độ khó.

Xem thêm: