Trang chủ » Địa danh » Lào Cai » Thắng Cố Lào Cai

Thắng Cố Lào Cai

2014-02-18 14:05:22 | 2073 lượt xem

Người H’mong ở Lào Cai là một dân tộc có nền văn hóa hết sức đặc sắc và ẩm thực chính là màu sắc rực rỡ nhất để tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu đó. Đồng bào Mông có rất nhiều món ngon như rượu ngô, mèn mén, tiêu biểu phải kể đến là món thắng cố. Thắng cố ngày nay có ở rất nhiều nơi, thậm chí ở dưới xuôi nhưng có lẽ, thắng cố ở chợ phiên Bắc Hà là vẫn giữ được hương vị chân thật nhất như chính người Mông ở đây vậy.

 

Có người giải thích tên gọi thắng cố theo nghĩa Hán – Việt nghĩa là thang cốt, tức là canh xương. Và đúng như tên gọi của nó, món thắng cố được chế biến từ xương ngựa, xương trâu bò ninh nhừ cùng lục phụ ngũ tạng. Chế biến thắng cố thoạt đầu nghe có vẻ khá đơn giản nhưng để có được hương vị đặc trưng của người Mông thì chỉ có đầu bếp người Mông mới nấu được. Những con ngựa hay bò, dê sau khi mổ xong thì phần thịt thăn bắp và phần thịt nạc được lọc ra để bán, còn phần xương xẩu được chặt nhỏ, gân cốt bạc nhạc, mỡ và các loại thịt vụn được lọc ra cùng với tiết đông cắt thành miếng nhỏ cộng với tim gan phèo phổi thế là đủ nguyên liệu cơ bản để làm nên món thắng cố.

Trước khi đưa vào nấu thì người đầu bếp ướp muối, địa điền, thảo quả, lá chanh nướng thái chỉ vào phần lục phủ ngũ tạng đã thái. Nêm nếm gia vị một cách vừa phải là một bí quyết của người nấu để khi thưởng thức món ăn, nồi thắng cố sẽ thật chuẩn vị mà không quá mặn hay còn mùi hôi của nội tạng. Khi nguyên liệu được chuẩn bị xong thì tới phần chế biến. Nguyên liệu được cho tất cả vào một cái chảo lớn, và đặc biệt chảo phải cũ, không được dùng chảo mới và xào lăn để chính mỡ trong thịt chảy ra chứ không cho thêm mỡ ngoài.

Khi miếng thịt se se cạnh, người ta đổ nước vào chảo và cứ thế ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ. Để nồi nước dùng được ngon, đầu bếp người Mông phải "chăm sóc" rất chu đáo: múc từng muỗng bọt ra để nước xương thêm ngọt, thêm trong. Các bộ phận như: lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương, được cho vào sau cùng và đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau. Cách ăn thắng cố cũng rất khác, ăn tới đâu múc ra bát tới đó, còn nồi thằng cố vẫn sôi sùng sục trên bếp như mời gọi thực khách thưởng thức tiếp.

Thắng cố là một trong những điều thú vị tạo nên nét đặc sắc của các phiên chợ vùng cao. Tới phiên chợ mà không ăn thắng cố, không ăn mèn mén, không uống rượu ngô thì không gọi là đi chợ. Giữa không gian phố chợ nhộn nhịp với đủ loại hàng hóa, tiếng gà, vịt, trâu, bò, ngựa kêu xen lẫn với tiếng chào hàng, tiếng mặc cả hàng hóa của người đi chợ, những nồi thắng cố bốc khói nghi ngút và những tiếng sôi lục bục như mời chào thực khách tới để thưởng thức tài nghệ nấu nướng của người Mông nơi đây. Sau khi đã bị hương vị của nồi thắng cố thu hút, thực khách cứ tự nhiên vào quán, múc cho mình từng bát thắng cố, ăn tới khi nào no nê mà giá cả rất phải chăng, từ 15.000 đồng – 20.000 đồng tùy vào ngày chợ nhiều hay ít chảo thắng cố.

Những ông chủ, bà chủ hàng thắng cố luôn tươi cười thân thiện mời chào du khách, rồi sẵn sàng chan thêm cho khách nước dùng hay mời một chén rượu ngô, thể hiện sự hào phóng mến khách của người dân phố chợ. Sau khi thưởng thức bát thắng cố, du khách sẽ cảm thấy thật dễ chịu, men rượu cay cay, thắng cố đậm đà, ngọt ngào, quyến rũ bởi gia vị riêng chỉ người Mông mới có thể nấu được.

Khi đến với Lào Cai, đến với những phiên chợ vùng cao, du khách hãy thưởng thức những nồi thắng cố mang đậm hương vị núi rừng và chắc chắn, du khách sẽ muốn quay trở lại đây lần nữa.

Xem thêm: