Trang chủ » Địa danh » Quy Nhơn » Tháp Đôi Hưng Thạnh

Tháp Đôi Hưng Thạnh

2014-03-03 14:43:07 | 3294 lượt xem

Tháp Đôi (Quy Nhơn) - một công trình kiến trúc cổ từ thời vương quốc Chămpa, nơi hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm mới lạ với những cung bậc cảm xúc thăng trầm khác nhau. Đến đây, chắc chắn bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên, ngưỡng mộ trước bàn tay tài hoa của người Chăm xưa.

 

1. Vị trí

Hiện nay, tháp Đôi nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Đống Đa và cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 3 km về phía Tây bắc.

 

2. Lịch sử xây dựng

Tháp Đôi hay còn gọi là tháp Hưng Thạnh vì nằm tại thôn Hưng Thạnh thuộc đất của huyện Tuy Phước và được xây dựngtrong khoảng thế kỷ XI-XIII. Đây là một di tích văn hóa nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo đặc sắc của người Chăm. Tuy tháp Đôi bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh nhưng với quyết tâm bảo tồn di tích nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng phối hợp cùng các chuyên gia Ba Lan và chuyên gia khảo cổ trong nước để trùng tu, tôn tạo lại dáng vẻ gần như ban đầu của tháp (từ 1991 - 1997).

 

3. Nét độc đáo của Tháp Đôi

Đến Quy Nhơn và tham quan Tháp Đôi du khách sẽ có dịp tìm hiểu nền văn hóa Chăm Pa qua kiến trúc xây dựng các tháp và cảm nhận nét đẹp trong từng chi tiết trên tháp.

Tháp Đôi nằm trên một khuôn viên khá rộng, 2 tháp đứng sừng sững mang màu sắc đặc trưng nổi bật trên nền thảm cỏ xanh rì. Đứng từ xa du khách sẽ nhìn thấy ngay ngôi tháp phía bắc cao 20m nhỉnh hơn so với ngôi tháp phía nam 2m, hai tháp này đứng liền kề nhau và quay mặt về hướng đông, phía trên tháp rêu cỏ mọc cheo leo càng khiến 2 ngôi tháp thêm phần cổ xưa. Tiến lại gần tháp du khách sẽ phát hiện ra chân tháp được làm bằng những tảng đá lớn khắc họa đài sen khổng lồ đỡ toàn bộ tháp giúp tháp kiên cố, vững chắc. Bên phía nam, tháp tuy có hư hại và xuống cấp hơn so với tháp phía bắc nhưng về mặt trang trí, kiến trúc thì tương tự như nhau.

Nếu bạn khá quan tâm đến những tháp Chàm sẽ thấy tháp Đôi có sự khác biệt so với tháp vuông nhiều tầng truyền thống bởi cấu trúc 2 phần: khối bình than 4 mặt vuông vức giữ nguyên cấu trúc đặc trưng của tháp Chàm truyền thống nhưng phần đỉnh tháp mặt cong đồng thời xuất hiện hình chim thần Garuda bằng đá, hai chân chùng xuống, 2 tay đưa lên cao được trang trí ở các góc của tháp. Những chi tiết này cho thấy sự pha trộn trong quá trình giao thoa kiến trúc giữa Chăm Pa và Khmer (điêu khắc Angkor) đã làm nên nét khác biệt của tháp Đôi.

Ngày nay, tháp Đôi (Quy Nhơn) không chỉ nhận được sự quan tâm từ những nhà nghiên cứu mà còn là địa danh đầy hấp dẫn khách du lịch khi đến miền đất này.

Xem thêm: