Home » Tin tức » Lễ hội Trường Yên- Hoa Lư, Ninh Bình ( từ 08 – 10/4 tức 09 - 11/3 âm lịch)

Lễ hội Trường Yên- Hoa Lư, Ninh Bình ( từ 08 – 10/4 tức 09 - 11/3 âm lịch)

2014-04-10 15:26:51 | 84563 lượt xem

Nhắc đến Lễ hội Trường Yên hay còn gọi là lễ hội Cố Đô Hoa Lư người xưa có câu :

“ Ai là con cháu rồng tiên

Tháng ba mở hội Trường Yên thì về”

Hàng năm lễ hội thường được tổ chức vào dịp mùng 10/03  diễn ra ở quảng trường trung tâm di tích cố đô Hoa Lư và các di tích khác  tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Là một trong những lễ hội truyền thống nhằm suy tôn công lao của các anh hùng dân tộc đã xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, đó chính là vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Ngày 8/3 là ngày mất của vua Lê Đại Hành, ngày 10/03 là ngày lên ngôi của vua Đinh Bộ Lĩnh. Lễ hội còn có tên là lễ hội cờ lau vì có màn tái hiện cảnh Đinh Bộ Lĩnh chơi “ Cờ lau tập trận”. Lễ hội thường có nghi thức gồm Lễ rước nước và lễ tế.

Vào giờ phút thiêng liêng trong ngày 10 tháng 3, đoàn rước nước khởi hành từ đền vua Đinh Tiên Hoàng, đi đầu là cờ ngũ hành, cờ hành thuỷ (màu đen) đi giữa, sau đến đoàn múa rồng biểu hiện cho ý thức cầu nước và là biểu tượng vật thiêng (rồng vàng) từng cứu Đinh Tiên Hoàng thuở hàn vi; rồi tới phường bát âm đi hàng đôi, tiếp theo đến kiệu long đình do bốn chàng trai khiêng, trên đặt một cái choé để đựng nước Thánh, đoàn rước tiền về phía sông Hoàng Long.

Khi đoàn rước đến sông Hoàng Long, xuống thuyền. Đoàn rước có một thuyền rồng (thuyền chính) chèo ra giữa sông làm lễ, sau đó thả đồ vàng mã và đồ lễ xuống sông tạ ơn Hà Bá. Tiếp đó người chủ tế thả một chiếc vòng tròn vải đỏ xuống dòng sông, nước được múc từ trong vòng tròn này, đổ vào choé qua một lớp vải đỏ trên miệng. Nước trong vòng tròn vải đỏ là được lọc qua lớp vải sẽ càng tinh khiết hơn. Khi nước đã đầy choé, các thuyền tản ra, quay mũi về bến, riêng thuyền rước choé nước còn quay sang bên trái rồi mới trở lại bến cũ và tiếp tục cuộc rước nước về đền .

Lễ tế diễn ra vào ban đêm cùng lúc ở hai đền vua Đinh và đền vua Lê. Bài văn tế chia thành chín đoạn (cửu khúc). Sau khi chủ tế xướng xong một đoạn có hai người phường nhà trò (một nam - đàn; một nữ - hát) diễn giải lại nội dung đoạn văn tế bằng điệu ca trù. Kết thúc lễ tế, khách hành hương trảy hội vào điện thờ ở hai đền dâng hương làm lễ và chiêm bái di tích.

Ở phần hội khách du lịch còn được tham gia rất nhiều trò chơi vui nhộn như : võ, vật, đua thuyền, đu bay, hát chầu văn, bình thơ, thi thơ, trò kéo chữ, múa gậy, múa rồng, múa lân hoặc chơi cờ người...Và lễ hội có những trò chơi đặc trưng như: Cờ lau tập trận, xếp chữ Thái Bình, người đẹp kinh đô Hoa Lư, hội thi hát chèo…