Trang chủ » Địa danh » TP Hồ Chí Minh » Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi

2014-02-11 14:45:58 | 3296 lượt xem

Củ Chi đất thép thành đồng, nơi lưu giữ những dấu tích hào hùng của dân tộc, khẳng định khí phách kiên cường bất khuất của người Việt Nam chống giặc ngoại xâm, nơi được du khách trong và ngoài nước được biết đến như một huyền thoại trong lòng đất. Đến với di tích Củ Chi, bạn như được trở về những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ hào hùng, ôn lại những trang sử một thời không thể nào quên của dân tộc.

 

1. Vị trí, phương tiện di chuyển 

Địa đạo Củ Chi nằm trong lòng đất Huyện Củ Chi – cách thành phố Hồ Chí Minh 70km. Để đến đây du khách có thể đi taxi, xe khách hoặc đi xe buýt. Một số các tuyến xe buýt qua địa đạo cho du khách tham khảo:

+ Xe 13: Bến Thành – Địa đạo Củ Chi.

+ Xe 94: Chợ Lớn – Địa đạo Củ Chi.

+ Xe 74: Bến xe An Xương – Địa đạo Củ Chi.

 

2. Lịch sử, kiến trúc. 

Địa đạo Củ Chi là một trong những công trình ngầm dưới đất vĩ đại nhất của thế kỷ XX, là căn cứ quân sự, một thành phố thu nhỏ dưới lòng đất với đầy đủ các công trình: hầm nhà ở, bệnh viện, trường học, nhà trẻ, một số các nhà máy nhỏ…

Năm 1965, sau khi chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Mỹ đã ồ ạt đưa binh lính sang Miền Nam Việt Nam, lê súng đi khắp nơi tiêu diệt những chiến sĩ cách mạng với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, ném bom phá hủy các căn cứ địa cách mạng. Trước tình hình đó, nhân dân Miền Nam đã rút xuống lòng đất kiên quyết bám làng, bám đất, một tấc không đi, một ly không rời. Người dân huyện Củ Chi đã lợi dụng địa hình, thế đất, đào một địa đạo liên hoàn từ xã này sang xã khác, từ đường xương sống này, tỏa đi nhiều nhánh, bố trí các cạm bẫy để phòng tránh kẻ địch, cho đến nay, vẫn chưa khám phá hết được địa đạo Củ Chi có bao nhiêu nhánh, dài bao nhiêu km. Quá trình xây dựng địa đạo bắt đầu từ cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ 2, ban đầu chỉ là nhưng hầm nhỏ trong nhà, sau đó tiếp tục được đào trong suốt 21 năm chống Mỹ.

Địa đạo Củ Chi là một trong những công trình đánh giặc độc đáo của nhân dân Miền Nam, một công trình được hun đúc từ sức lực, trí tuệ, sự thông minh, sáng tạo và xương máu của các dân quân huyện Củ Chi. Địa đạo có ba độ sâu được gọi là ba tầng, tầng sâu nhất khoảng từ 8 – 10m, liên hoàn dưới địa đạo là hầm làm việc các các vị lãnh đạo, chỉ huy, hầm hội họp, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm dự trữ, chế tạo vũ khí lương thực – thực phẩm, giếng nước. 

Tầng 2 là nơi ở của những chiến sĩ cách mạng, có thể chống được bom nhỏ, tầng trên cùng cách mặt đất 3m, chịu được sức nặng của xe tăng và súng cối.

 

3. Các điểm tham quan ở di tích địa đạo Củ Chi

- Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược: Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược là một quần thể kiến trúc với những họa tiết, hoa văn mang đậm phong cách cổ truyền của dân tộc, đây là nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Bến Dược đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Chống Mỹ hào hùng của dân tộc, nơi đây có những bức tranh, tượng mô phỏng những trận đánh ác liệt của quân và dân Củ Chi.

- Địa Đạo Bến Dược: là căn cứ của Khu Ủy Khu Sài Gòn – Gia Định, là một trong hệ thống Địa đạo Củ Chi, nằm sâu trong lòng đất. Địa đạo Bến Dược là địa đạo có quy mô lớn với những đường hầm tỏa đi khắp nơi như những mạng nhện, không gian trong địa đạo Bến Dược khá rộng rãi.

- Địa Đạo Bến Đình: là căn cứ ủy của huyện Củ Chi, có cấu trúc và hệ thống các cơ quan giống Địa Đạo Bến Dược, tuy nhiên điểm hấp dẫn du khách chính là những căn chòi lá, nơi chế tạo ra các loại vũ khí độc đáo của quân và dân Củ Chi.

- Khu tái hiện vùng giải phóng: bao gồm 4 không gian tái hiện cuộc chiến đấu của kiên cường của quân và dân Miền Nam trước các cuộc càn quét của Mỹ trong các giai đoạn: Chiến Tranh Đặc Biệt, cuộc chiến tranh năm 1967, Cuộc chiến Vùng Đất Trắng năm 1969 và quang cảnh hồi sinh của Củ Chi sau giải phóng. Đặc biệt, khu tái hiện còn có sa bàn tái hiện lại trận càn Cedar Fall, biến Củ Chi từ một vùng đất trù phú thành một bãi đất hoang tàn.

- Khu vui chơi giải trí: bao gồm khu cửa hàng lưu niệm, các quán ăn, khu hồ bơi cùng khu tái hiện ba miền đất nước, du khách có thể chiêm ngưỡng mô hình Chùa Một Cột thu nhỏ, Ngọ Môn Huế và Bến Nhà Rồng hay mô hình hồ mô phỏng biển Đông với đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

 

4. Giá vé vào cửa

Người lớn: 20.000đ/vé. Khách quốc tế: 75.000đ

 

Xem thêm: