Trang chủ » Địa danh » Vĩnh Phúc » Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

2014-03-04 14:52:47 | 2082 lượt xem

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên như một đóa sen hồng giữa đại ngàn thông xanh, núi biếc với kiến trúc tuyệt đẹp mang đậm chất tâm linh huyền bí.

 

1. Vị trí

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).

 

2. Sự thu hút của Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất Việt Nam.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác. Đến khu danh thắng Tây Thiên bạn sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc đương đại và cảm nhận được sự yên bình, thanh tịnh tuyệt đối. Đặc biệt, với độ cao trên 300m so với mực nước biển, Thiền Viện còn thu hút đông đảo du khách bởi cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ cùng nhiều sự kỳ bí bởi suối reo, thác đổ.

Về thiết kế, chính điện nằm chính giữa Thiền Viện có chiều cao 17m, diện tích 675m2, có 4 trụ đỡ, đường kính mỗi trụ gần 1m nên có thể dành cho 600 phật tử, du khách ngồi thiền hoặc ngồi nghe giảng phật pháp. Bên trái tòa chính điện là Lầu Chuông, bên phải là Lầu Trống. Trống được làm từ gỗ mít rừng Gia Lai, có đường kính lên đến 1,5m, dài 2m; Chuông có trọng lượng 2 tấn. Phía sau chính điện là Nhà Tổ thờ tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Các bức tượng Phật ở chính điện và Nhà Tổ đều được làm từ đá sa thạch có độ bền lâu dài.

Trong khu Thiền viện còn có: Nhà ăn phục vụ cơm chay cho các phật tử và du khách, Nhà sách bán kinh phật và đồ lưu niệm, Thư Viện, Khu nội viện gồm tăng đường, thiền đường và trai đường. Ngoài ra, thiền viện còn dành khoảng 40 phòng để khách tăng và khách ni ở xa đến có thể nghỉ lại chùa tham quan và nghiên cứu phật pháp trong khoảng thời gian từ 1 - 2 tuần. Việc ăn ở, thiền viện không thu bất cứ khoản phí nào.

 

 

Xem thêm: