Trang chủ » Địa danh » Ninh Bình » Nhà thờ đá Phát Diệm

Nhà thờ đá Phát Diệm

2014-02-21 14:18:21 | 2326 lượt xem

Nhà thờ đá Phát Diệm là một trong những nhà thờ nổi tiếng và đẹp nhất ở Việt Nam với kiến trúc đặc biệt có sự kết hợp thanh lịch giữa nhà thờ theo phong cách kiến trúc kiểu đình chùa Phương Đông và lối kiến trúc Go-tich Phương Tây.

 

1. Vị trí – lịch sử

Nhà thờ Đá Phát Diệm thuộc khu vực huyện Kim Sơn – Ninh Bình, cách thành phố Hà Nội khoảng 130km, cách thành phố Ninh Bình 30km. Kim Sơn – Phát Diệm trước thế kỷ thứ 19, vốn là một vùng đất do phù sa của một nhánh sông Hồng và Sông Càn bồi đắp vùng cửa biển Thần Phù, không có cư  dân sinh sống. Mãi cho đến khi Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ khai khẩn đất hoang lập nên huyện Kim Sơn gồm 7 tổng và 60 làng trại.

Nhà thờ Đá Phát Diệm được xây dựng sau khi thực dân Pháp chiếm thành công xứ Bắc Kỳ. Với mục đích cai trị và thâm nhập vào cuộc sống của nhân dân bằng tôn giáo, một số các cha sứ đã đến các vùng ven biển Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình để truyền bà công giáo cho những người xứ biển. Nhà thờ Đá Phát Diệm do cha Phê-Rô Trần Lục (Người dân trong vùng thường gọi là Cụ Sáu) khởi công xây dựng và phải mất đến 24 năm mới xây dựng xong khu chánh tòa này. Cụ Sáu là một người mộ đạo, năm 15 tuổi cụ đã vào sống tại giáo sứ Bạch Bát nay là xứ Bạch Liêm thuộc giáo phận Kim Sơn. Ngôi nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng trên nền móng của ngôi nhà thờ được lợp một cách đơn sơ thủa ban đầu.

 

2. Kiến trúc độc đáo

Nhà thờ Đá Phát Diệm là một trong những ngôi nhà thờ có kiến trúc vô cùng độc đáo, khác hẳn so với những ngôi nhà thờ được xây cùng thời. Vẫn lấy đá và gỗ làm chất liệu chủ yếu nhưng có lẽ do khởi công xây dựng là một người bản xứ nên ngôi chính tòa này vừa mang dáng dấp của đền chùa cổ Việt Nam, vừa mang phong cách kiến trúc Gotich Pháp với nhà hình ống dài, mái vòm.

Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng theo lối viện lạc, kiểu nội công, ngoại quốc, bao gồm cổng chính, nhà thờ chính giữa, các nhà thờ nhỏ xung quanh, khu đình viện, ao và những hang đá nhân tạo. Trong đó:

- Nhà Nguyện trái tim Đức Mẹ được xây dựng vào năm 1883 được làm hoàn toàn từ đá, trạm trổ hết sức công phu, được xem là trái tim của nhà thờ. Mặt tiền ngôi nhà nguyện là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính vững chãi, bề thế của đá với với những hoa văn chạm khắc uyển chuyển. Hai ngọn tháp hai bên tựa như tháp bút ở Hồ Hoàn Kiếm chỉ khác là đầu bút được thay thế bằng hình cây thánh giá. Ngọn tháp giữa công phu nhất, được trạm trổ trái tim bị đâm thủng và lời cậu nguyện bằng bốn loại chữ: chữ quốc ngữ, chữ hán, chữ Pháp và chữ la tinh. Bước vào không gian nhà nguyện du khách sẽ bị choàng ngợp bởi không gian làm hoàn toàn từ đá từ kèo, cột, bệ thờ, tượng trang trí.

- Nhà Nguyện dâng kính trái tim Chúa được xây dựng năm 1889 với nội thất bằng gỗ lim. Toàn thể ngôi nhà nguyện này là một tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt vời, được chạm trổ tinh vi đến từng chi tiết nhỏ. Dường như tất cả những tinh hoa nghệ thuật của nghệ thuật điêu khắc gỗ tồn tại hàng nghìn năm trên đất Việt như được về đây tụ họp.

- Nhà Nguyện thánh Giuse được xây dựng năm 1896 cũng được làm hoàn toàn từ gỗ nổi bật với 14 bức điêu khắc gắn liền với cuộc đời của thành Giuse.

- Ngôi nhà thờ lớn đồ sộ, bề thế cũng là công trình quan trọng bậc nhất trong quần thể Nhà thờ Đá được xây dựng năm 1891, mặt tiền được xây dựng bằng những khối đá lớn, gồm 5 cửa vào, ba tháp lầu với những mái cong. Sự kết hợp giữa tháp vuông và mái cong thể hiện quan niệm âm – dương trong phong thủy, con số 3 tượng trưng cho triết học Á Đông: Thiên, Địa và Nhân.

- Phương Đình hay còn được gọi là Tháp Chuông cao 25 m, có đặt một quả chuông lớn được đánh bằng vồ, khi chuông ngân lên thì tiếng vang vọng hơn 10km, quả chuông có chạm minh văn bằng chữ La tinh và Chữ Hán.

Với thiết kế nghệ thuật và kỹ thuật khéo léo, Nhà thờ Phát Diệm là một niềm tự hào của người dân Ninh Bình. Trải quan bao cuộc bể dâu, có lúc công giáo dường như bị đẩy lùi trên đất này nhưng nhà thờ Phát Diệm vẫn sừng sững tọa lạc nơi đây như một minh chứng cho nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc và sự giao hòa văn hóa Đông – Tây vào cuối thế kỷ 19.

Xem thêm: