Trang chủ » Địa danh » Hà Nội » Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu Quốc Tử Giám

2014-08-05 14:39:45 | 14991 lượt xem

Người xưa thường nói “Giàu học võ, khó học văn”, đỗ đạt là con đường sáng để các bậc sĩ tử ra giúp vua trị vì đất nước đồng thời cũng là một bước để “các chép hóa rồng”, thoát khỏi cảnh nghèo hèn. Vì thế mà ai cũng háo hức cho con đi học, từ đó truyền thống "tôn sư trọng đạo" càng được giữ gìn và phát huy cho đến tận sau này. Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, là cụm di tích mang ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn mang ý nghĩa về mặt tinh thần, là tấm gương soi sáng cho các thế hệ sau nối tiếp cha ông, mở rộng trí thức, phát triển đất nước.

 

1. Vị trí, phương tiện di chuyển 

Văn Miếu Quốc Tử Giám được coi là tượng đài biểu trưng cho sự hiếu học của dân tộc Việt Nam, nằm trên  đường Văn Miếu, thuộc quận Đống Đa Hà Nội, cách Hồ Gươm khoảng 1km, cách cụm di tích Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh 1,2km, cách Hồ Tây 30 phút đi bộ.

Để lên Văn Miếu du khách có thể đi Taxi với giá từ 11.500đ – 17.500đ/km, hoặc thuê xe máy (30.000đ/h), xe đạp.

Các tuyến xe buýt đi qua Văn Miếu (giá 7.000đ/lượt): Xe 02 (Hà Đông – Bờ Hồ), Xe 22 (Hà Đông – Long Biên), xe 09 (Cầu Giấy Bờ Hồ), xe 33, xe 50 (dừng ở bênh viện Xanh Pôn, đi bộ sang Văn Miếu), xe 23 (Nguyễn Công Trứ - Long Biên), xe 32 (Nhổn – Bờ Hồ) và xe 38.

 

2. Lịch sử văn hóa

Từ ngàn xưa, nhân dân Việt Nam vốn nổi tiếng với truyền thống hiếu học, Văn Miếu Quốc Tử Giám chính là tượng đài biểu trưng cho truyền thống hiếu học đó. Năm 1002, nhận thấy thành Đại La, đất đai bằng phẳng là thế đất thiêng, Lý Công Uẩn đã rời đô về đây rồi đổi tên là thành Thăng Long.

Khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, vì muốn chiêu mộ hiền tài cho đất nước, đã xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám làm trường học đầu tiên của cả nước. Ban đầu, trưởng chỉ nhận con cháu nhà quan lại, quyền quý vào học nhưng đến thời Trần thì mở rộng thêm cho cả những học trò xuất thân bình dân vào học.

Sang đến thời Lê là thời Nho học thịnh hành, Văn Miếu là nơi diễn ra các cuộc thi cử, những người đỗ đạt cũng được khắc tên lên bia để lưu giữ đến ngàn sau. Mặc cho lịch sử biển đổi, triều đại sau thay thế triều đại trước, bao lần nước mất nhà tan, nhưng văn miếu Quốc Tử Giám vẫn là nơi đào tạo ra các bậc hiền tài cho cả nước mãi đến khi khoa thi cử cuối cùng của Nho học năm 1919. 

Ngày nay, Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là chứng tích cho thời kỳ nho học với những tấm bia tiến sĩ mà còn là nơi sinh viên, học sinh tìm về để tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học của cha ông.

 

3. Kiến trúc Văn Miếu

Văn Miếu Quốc Tử Giám ngày nay đã bị thu hẹp nhiều so với cách đây 10 thế kỷ. Khu di tích cũng bị cắt xẻ bởi những con đường nhưng nhìn chung vẫn giữ được những nét cổ kính, thâm trầm của một ngôi trường nghìn năm tuổi.

Văn Miếu Quốc Tử Giám được chia làm 5 khu chính song liên hoàn với nhau thành một tổng thể kiến trúc hài hòa qua trục đường Thần Đạo nối từ đầu đến cuối khuôn viên. Trước mặt Văn Miếu là hồ Văn Chương (tượng trưng cho biển học vô biên) từng là nơi đàm đạo thi ca của những học trò, sau lưng thì quay về phía núi Long Đỗ (Hoàng thành Thăng Long). Đi từ ngoài và là Văn Miếu Môn tam quan 2 tầng, mặt ngoài được khắc tạc các linh vật để trừ tà và nhận biết kể ác, người thiện. Đi vào trong là một khu vườn xanh mát, rồi qua cổng Đại Trung Môn là  là khu nhà Bái Đường gồm 9 gian, là nơi thờ vọng, hành lễ trong các kỳ tế tự.

Ở vị trí trang trọng nhất của khu nhà là bức hoành phi “Vạn thế sư biểu” do vua Khang Hi tặng để ca ngợi công đức, sự tôn kính với Khổng Tử - người khai sinh ra nền Nho Học ở Trung Quốc đề cao hai chữ “ Nhân, Đức”. Tiếp đến Khuê Văn Các – một biểu tượng của Hà Nội – tựa như vầng dương soi sáng dẫn đường cho các sĩ tử vững bước trên con đường học tập gian khổ. Từ trên Khuê Văn Các nhìn xuống chính là Văn Trì, người xưa luôn mong muốn nơi đây nhận được ánh sáng của trời, tinh túy của vũ trụ để soi sáng tri thức, hồ nước hình vuông tượng trưng cho đất, Khuê Văn Các tượng trưng cho trời. Tiếp đến là khu văn bia, ghi tên những người đỗ đạt qua các cuộc thi cử, đây là tài liệu quý giá về thân thế của hơn 1000 vị hiền tài thời Lê – Mạc. Sau trong cùng là khu Thái Học. 

Văn Miếu là một trong những công trình kiến trúc độc đáo vào bậc nhất của nhà nước thờ Khổng Tử, Chu Văn An – người thầy vĩ đại.

 

4. Thời gian và giá vé vào cửa

- Thời gian mở cửa: Từ 8h00 – 17h30.

- Giá vé tham quan: 20.000đ (sinh viên học sinh: 5.000đ)

 

Xem thêm: