Trang chủ » Địa danh » Lào Cai » Lễ hội Gầu Tào

Lễ hội Gầu Tào

2014-02-18 11:56:31 | 1927 lượt xem

Lào Cai là một tỉnh miền núi có rất đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống nên sự đa dạng về văn hóa bản địa là một nét đặc sắc có một không hai của Lào Cai. Mỗi dân tộc lại có những nét hấp dẫn với nhiều phong tục tập quán riêng của mình, và lễ hội Gầu Tào là một trong những nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông nói riêng và của người dân Lào Cai nói chung.

 

1. Nét đặc trưng của lễ hội Gầu Tào

Do người Mông sinh sống ở nhiều nơi trên Lào Cai, như các huyện Bảo Hà, Mường Khương hay Simacai nên lễ hội Gầu Tào cũng được tổ chức ở nhiều nơi nhưng về nội dung của lễ hội đều giống nhau. Lễ hội Gầu Tào được tổ chức trên một quả đồi rộng được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Đồi Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Người Mông quan niệm, quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều. Lễ hội Gầu Tào đặc biệt ở chỗ không phải là lễ hội do cả làng tổ chức mà thường là ba gia đình có quan hệ về huyết thống hoặc thông gia với nhau và có hoàn cảnh như trên cùng tổ chức. Lễ hội được tiến hành vào mùa xuân trong ba năm liền - mỗi năm người ta trồng một cây nêu để ba gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc.

 

2. Thời gian diễn ra lễ hội

Ngày chính hội được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, tuỳ theo tuổi của gia chủ hợp với ngày nào. Chủ lễ và người giúp việc treo đồ lễ lên cây nêu, đặt tiền mã dưới gốc và quỳ xuống khấn, vái cây nêu. Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, chủ lễ tuyên bố mở đám hội. Nghi thức hát mở màn lễ hội được thực hiện bởi một người thạo hát nhưng phải có gia đình khỏe mạnh, kinh tế khá giả. Sau đó, mọi người dự hội đều có thể vào hát, trình diễn và thưởng thức các trò chơi, múa khèn, múa võ, múa gậy sinh tiền, hát hội Chù Gầu Tào… và đều được chủ lễ mời rượu. Cuộc vui kéo dài đến tối với các cuộc hát đối chủ - khách, nam - nữ. Khách phương xa có thể ngủ lại tại nhà của gia chủ để những ngày sau tiếp tục cuộc vui.

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội mang tính cộng đồng cao nhất của người Mông, và cũng là một nét đẹp văn hóa đã và đang được người Mông ở Lào Cai gìn giữ và truyền lại qua bao thế hệ. Nếu du khách có dịp đến với Bảo Hà hay Simaicai đúng ngày hội Gầu Tào của người Mông ở nơi đây thì du khách sẽ có những trải nghiêm đáng nhớ trong chuyến hành trình của mình. Hãy tới nơi đây và tự mình cảm nhận bạn nhé!

Xem thêm: