Trang chủ » Địa danh » Lào Cai » Nét ẩm thực người Lào Cai

Nét ẩm thực người Lào Cai

2014-02-18 14:27:06 | 1910 lượt xem

Lào Cai không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh đẹp, với những nền văn hóa đa sắc màu, với những con người thân thiện mến khách mà nơi đây còn nổi tiếng với những món ăn ngon khá lạ miệng, được chế biến từ những loại lương thực, thực phẩm được trồng trên chính mảnh đất này.

 

1. Rượu Lào Cai 

Nét đặc sắc đầu tiên khi nhắc về ẩm thực Sapa có lẽ là rượu. Trong số 12 loại rượu ngon nổi tiếng của Việt Nam thì Lào Cai có tới 3 loại rượu đó là: rượu ngô bản Phố, Bắc Hà; rượu nếp San Lùng và rượu táo mèo Sapa. Bởi lẽ rượu được nhắc đến đầu tiên trong nét đặc sắc của ẩm thực Lào Cai là vì khí hậu nơi đây khá lạnh, nên chút rượu ngô hay táo mèo có thể làm cơ thể ấm và tinh thần phấn chấn hơn.

Thứ rượu đầu tiên phải kể đến là rượu ngô Bản Phố, Bắc Hà. Đây là đặc sản của người Mông ở Bản Phố, cao nguyên Bắc Hà, Lào Cai. Rượu được nấu từ nước lấy từ suối Hang Dế. Đặc bệt, ngô dùng nấu rượu phải là ngô trồng trên núi đá cao heo hút, và bí quyết để tạo nên sự khác biệt so với các loại rượu khác là rượu được lên men bằng bột bông của cây “pa” hay có tên khác là cây hồng mi. Vì thế mà khi mới uống ngụm rượu đầu tiên, du khách có cảm giác êm dịu, lâng lâng mà vẫn sảng khoái.

Loại rượu thứ hai được nhắc tới chính là rượu San Lùng. Rượu này không nấu bằng ngô mà bằng thóc nương trộn với một ít hạt lương, khoảng 5%, ngâm nước và nấu lên như nấu cơm.Khi hạt thóc chín tới, vỏ trấu nứt ra, lộ một vết gạo trắng trông giống như nảy mầm là được. Thóc chín, rỡ ra nong, để nguội, rắc bột men, trộn đều, cho vào thùng ủ. Một hoặc hai ngày sau, tùy theo thời tiết, thóc chín men, thơm mùi cơm rượu, đổ nước suối vào ngâm, một số ngày tùy theo chất men và thời tiết, rồi chưng cất, cứ năm mươi cân thóc thì cho ra khoảng hai mươi lít rượu. Công đoạn làm rượu San Lung có vẻ cầu kì hơn nhiều so với rượu ngô Bản Phố, chính vì thế mùi vj của rượu cũng rất khác. Nhấm một ngụm rượu thấy ngay mùi vị thơm ngát của men.

Loại rượu cuối cùng mà du khách không thể không thưởng thức chính là rượu táo mèo – đặc sản vùng đất Sapa. Có lẽ bởi nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng khí hậu mát mẻ trong lành, đất đai màu mỡ, nhiều con suối trong xanh chảy qua nên cây táo mèo trồng ở đây rất tươi tốt, đặc biệt trên núi rừng Hoàng Liên. Cứ đến mùa thu, khi những cây táo mèo sa trĩu quả thì đồng bào Mông lại lên núi Hoàng Liên Sơn, hái đầy gùi táo mèo, rồi đem về ngâm rượu. Ngâm càng lâu thì rượu táo mèo càng ngon, vị ngọt ngọt chua chua xen lẫn vị chát sẽ khiến du khách không thể nào quên được ngay lần đầu thưởng thức.

 

2. Món thắng cố 

Ẩm thực của Lào Cai vô cùng đa dạng, mỗi món ăn mang một hương vị khác nhau, nhưng tất cả đều mê hoặc du khách, ngay cả những người khó tính nhất. Như thắng cố chẳng hạn, một món ăn truyền thống của người Mông được nấu từ xương trâu, xương bò ninh nhừ cùng với lục phủ ngũ tạng của gia súc ăn cỏ. Vì được chế biến từ các nguyên liệu tự có ở nơi đây nên nồi thắng cố rất ngọt nước, mùi thơm của gia vị hòa quyện cùng mùi thơm của thịt mê hoặc thực khách. Những ngày trời lạnh thì thắng cố ăn càng ngon, nồi thắng cố sôi sùng sục trên bếp, được điểm thêm rau thơm cùng gia vị, du khách lấy dùng thìa gỗ bát gỗ để thưởng thức. Húp thìa nước dùng đầu tiên đã cảm nhận được vị ngọt từ xương, sau đó ăn từng miếng thịt được ninh nhừ, ăn kèm thêm rau thơm, tất cả tạo thành hương vị ngọt đậm đà mà chỉ người Mông nơi đây mới có thể chế biến được.

 

3. Món cá hồi 

Ngoài thắng cố thì cá hồi cũng là loại thực phẩm rất được ưa chuộng. Cá hồi là loại cá da trơn vốn chỉ sống được ở các nước ôn đới và hàn đới nay lại được nuôi rất thành công tại Sapa, không những thế thịt cá rất thơm ngon và đảm bảo chất lượng. Khách du lịch khi tới đây có thể tự tay bắt những con cá hồi to và chắc nịch, rồi có thể tùy ý lựa chọn các món ăn được chế biến cá mà mình thích như gỏi, lẩu, cháo, trứng cá hấp, cá hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh… Du khách vừa ăn vừa ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, lắng nghe tiếng Thác Bạc đổ ầm ầm bên tai như một bản nhạc vui nhộn sẽ khiến bạn có những giờ phút thư giãn trong hành trình của mình.

 

4. Phố nướng Sapa 

Sau khi thưởng thức thắng cố, cá hồi thì du khách chắc chắn phải tìm đến phố nướng Sapa để thưởng thức ẩm thực nướng nơi đây và có lẽ nét đặc sắc nhất trong văn hóa ẩm thực ở Lào Cai cũng chính là ẩm thực nướng đêm Sapa. Gọi là ẩm thực nướng vì ở nơi đây, món gì cũng có thể nướng lên được để thưởng thức. Du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi đồng bào nơi đây dùng những nguyên liệu độc đáo để chế biến món nướng như trứng gà nướng, trứng vịt lộn nướng, bánh dày nướng và thậm chí là đậu phụ nướng. Chính vì là nguyên liệu tự sản tự tiêu nên giá đồ nướng ở đây rất rẻ, chỉ từ một nghìn đống tới năm nghìn đồng một xiên nướng.Khoảng tầm sáu tới bảy giờ tối, khi sương mù vây kín cả thị trấn Sapa thì cũng là lúc đồng bào nơi đây hối hả quạt những bếp than hồng đỏ rực để chuẩn bị nướng món ăn cho thực khách. Do thời tiết khá lạnh nên hầu hết các món ăn đều được nướng lên, vì thế du khách có thể thưởng thức tất cả các đặc sản ở đây. Trong cái lạnh đang ôm lấy cả thị trấn, bạn có thể ngồi bên lò nướng để tự tay nướng những món ăn thơm lừng như gà nướng, ngô nướng, lợn cắp nách nướng, thịt bò thăn cuốn rau cải nướng, trứng gà nướng, đậu phụ nhự nướng... Mùi vị thơm lừng của mỡ lợn, hòa quyện với mùi thơm của ngô nếp, vị bùi bùi của đậu tương, vị ngậy béo của trứng gà nướng, nhâm nhi thêm một chút rượu táo mèo hay rượu ngô sẽ thực sự làm say lòng du khách.

Ngoài những món ăn kể trên thì khi đến với Lào Cai du khách còn có thể thưởng thức rất nhiều món ngon khác như thịt lợn muối, thịt lợn cắp nách, thịt hun khói, tiết canh gà, nhái nấu măng hay dân dã hơn là các loại rau xanh ở nơi đây... Mỗi món ăn đều mang một hương vị đặc trưng rất khác biệt với các vùng khác và sẽ khiến du khách nhớ mãi sau lần đầu thưởng thức.

Xem thêm: